[CPP] Các dân tộc Việt Nam theo nhóm ngôn ngữ Tày – Thái cùng một số thông tin.
>> Xem thêm: Các nhóm ngôn ngữ của các dân tộc Việt Nam
Ở Việt Nam, thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái (ngữ hệ Thái – Kađai) có 8 dân tộc, với tổng dân số gần 4,4 triệu người (2009). Người Tày, Nùng, Sán Chay, Giáy, Bố Y cư trú ở vùng Đông Bắc, người Thái, Lào, Lự phân bố từ Tây Bắc đến miền tây Thanh Hoá, Nghệ An. Tổ tiên người Tày có mặt ở Việt Nam từ hơn 2.000 năm trước; các tộc người khác di cư tới sau, thậm chí mới vài ba trăm năm.
Cư dân nhóm Tày – Thái thường tụ cư ở các vùng thung lũng và có trình độ kỹ thuật cao trong canh tác lúa nước, với những biện pháp như dùng cày có trâu kéo, thâm canh, làm thủy lợi… Một số nghề thủ công truyền thống rất phát triển, đặc biệt là dệt vải.
Thiết chế gia đình theo truyền thống phụ hệ. Từ rất sớm đã xuất hiện hình thức tổ chức xã hội theo kiểu phong kiến sơ kỳ, điển hình là chế độ quằng ở ngườiTày, phìa tạo ở ngườiThái. Các cư dân nhóm Tày – Thái thờ cúng tổ tiên và chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, Phật giáo, Đạo giáo ở các mức độ khác nhau. Nhiều giá trị văn hóa của họ ảnh hưởng không ít đến các tộc người khác trong vùng. Ở nhiều nơi, tiếng Tày hoặc tiếng Thái đã trở thành ngôn ngữ giao tiếp chung của địa phương. Một số cư dân có chữ viết riêng, theo mẫu tự Ấn Độ hoặc chữ tượng hình.
Trưng bày về các cư dân nhóm Tày – Thái được bố trí tập trung trong ngôi nhà sàn của người Thái Đen, dựng trong tầng 2 của tòa nhà “Trống đồng”. Văn hóa và cuộc sống của họ giới thiệu thông qua hệ thống hiện vật, ảnh thực địa và các bài viết, được diễn giải bằng 3 ngữ: Việt, Pháp và Anh. Ngoài ra, còn có các mô hình nhà ở thu nhỏ và các phim tư liệu dân tộc học. Trong Vườn Kiến trúc (khu trưng bày ngoài trời) của Bảo tàng có các công trình của người Tày, Nùng.
Người Bố Y
Người Bố Y (tiếng Trung: 布依族; Hán-Việt: Bố Y tộc; bính âm: Bùyīzú, tiếng Anh: Bouyei), còn gọi là Chủng Chá, Trọng Gia, Tu Dí, Tu Dìn hay Pu Nà, là một dân tộc cư trú ở vùng nam Trung Quốc và vùng bắc Việt Nam. Người Bố Y nói tiếng Bố Y, một ngôn ngữ thuộc ngữ chi Thái trong ngữ hệ Tai-Kadai.
Dân tộc Bố Y có dân số khoảng 2.971.460 người, chủ yếu sống tại Trung Quốc (các tỉnh Quý Châu, Vân Nam, Tứ Xuyên), và khoảng 1.900 người sinh sống tại Việt Nam ở các huyện biên giới ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang. Họ được công nhận là một trong 54 dân tộc Việt Nam.
Mặc dù tại cả Trung Quốc lẫn Việt Nam họ được nhà nước công nhận như là một nhóm sắc tộc riêng rẽ, nhưng chính họ lại tự coi mình là người Tráng.
Người Giáy
Người Giáy, còn gọi là Nhắng, Dẳng, Pâu Thìn, Pu Nà, Cùi Chu, Xạ, là một dân tộc trong số 54 dân tộc tại Việt Nam. Người Giáy nói tiếng Bố Y, một ngôn ngữ thuộc ngữ chi Thái trong hệ ngôn ngữ Tai-Kadai. Dân số người Giáy tại Việt Nam theo điều tra dân số năm 2009 là 58.617 người.
Người Giáy ở Lào Cai nói nhẹ nhàng, tự gọi tên dân tộc mình là Pú Dáy. Còn tiếp đó là Cấn Dẳng là tiếng của người Tày sống gần với người Giáy, tiếp đó là người Kinh gọi Dẳng thành Nhắng. Người Pâu Thìn, Pú Nà mặc trang phục như người Giáy, dùng lời hát, thơ ca, tục ngữ, đồng dao như người Giáy (Pú Nà ở Lai Châu) nhưng tiếng Pú Nà người Giáy không nghe được, Dáy Củi Chu tiếng nói cũng khác. Còn Xa Dìn là tiếng Quan Hỏa địa phương (Hán Việt: Nhiệt Y-热依) dùng để chỉ tên người Giáy.
Người Lào
Người Lào tại Việt Nam, còn gọi tên khác là Lào Bốc hoặc Lào Nọi, là một dân tộc thiểu số trong số 54 dân tộc tại Việt Nam. Người Lào nói tiếng Lào, một ngôn ngữ thuộc ngữ chi Thái trong hệ ngôn ngữ Tai-Kadai.
Người Lào tại Việt Nam cư trú tập trung tại các huyện Điện Biên, Phong Thổ (tỉnh Điện Biên), huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), Than Uyên (tỉnh Lào Cai). Năm 1999 họ có dân số 11.611 người.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Lào ở Việt Nam có dân số 14.928 người, cư trú tại 42 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Lào cư trú tập trung tại các tỉnh: Lai Châu (5.760 người, chiếm 38,6% tổng số người Lào tại Việt Nam), Điện Biên (4.564 người, chiếm 30,6% tổng số người Lào tại Việt Nam), Sơn La (3.380 người, chiếm 22,6% tổng số người Lào tại Việt Nam), Hà Tĩnh (433 người), Đắk Lắk (275 người).
Người Lự
Người Lự, còn gọi là người Tày Lự (Tai Lue) (tiếng Thái: ไทลื้อ; phát âm tiếng Thái: [tʰāj.lɯ́ː]), người Lữ, người Nhuồn, người Duồn, là một dân tộc ít người sinh sống trong khu vực Lào, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và Trung Quốc.
Tiếng nói chính thức của người Lự là tiếng Lự, là ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái, hệ ngôn ngữ Tai-Kadai. Người Lự cũng sử dụng các ngôn ngữ chính thức tại quốc gia mà họ sinh sống. Tại Việt Nam, người Lự được công nhận là một trong số 54 dân tộc tại Việt Nam.
Dân số theo điều tra dân số 1999 là khoảng 4.964 người. Cư trú chủ yếu tập trung ở hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu và một lượng đáng kể di cư vào tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, theo ước tính năm 2003 của Ủy ban dân tộc Việt Nam thì dân tộc này có dân số 5.553 người.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Lự ở Việt Nam có dân số 5.601 người, cư trú tại 21 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Phần lớn người Lự cư trú tập trung tại tỉnh Lai Châu (5.487 người, chiếm 98,0% tổng số người Lự tại Việt Nam), Thái Nguyên (75 người), các tỉnh còn lại có không quá 10 người.
Người Nùng
Người Nùng, với các nhóm địa phương: Nùng Xuồng, Nùng Giang, Nùng An, Nùng Lòi, Nùng Phàn Sình, Nùng Cháo, Nùng Inh, Nùng Quy Rịn, Nùng Dín, là một trong số 54 nhóm sắc tộc được chính phủ Việt Nam chính thức phân loại. Người Nùng nói tiếng Nùng, là ngôn ngữ thuộc ngữ chi Tai của ngữ hệ Tai-Kadai.
Người Nùng sống tập trung ở các tỉnh đông bắc Bắc Bộ như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang v.v (chiếm tới 84%). Hiện tại, một lượng lớn đã di cư vào các tỉnh Tây Nguyên (11 %), chủ yếu tại Đăk Lăk. Quá trình di cư này bắt đầu vào năm 1954, khi Việt Minh kiểm soát miền bắc Việt Nam.
Người Nùng có quan hệ gần gũi với người Tày và người Tráng sống dọc biên giới với Trung Quốc. Tại Trung Quốc, người Nùng cùng với người Tày được xếp chung vào dân tộc Tráng.
Người Sán Chay
Người Sán Chay, tên gọi khác là Cao Lan, Sán Chỉ, Mán Cao Lan, Hờn Bận, là một dân tộc trong số 54 dân tộc tại Việt Nam. Tiếng Sán Chay là ngôn ngữ thuộc ngữ chi Thái trong Hệ ngôn ngữ Tai-Kadai.
Người Sán Chay chủ yếu tập trung ở các tỉnh đông bắc Bắc Bộ như Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, rải rác ở các tỉnh: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn. Hiện tại có một nhóm người vào Tây Nguyên lập nghiệp được tổ chức thành các làng.
Dân số theo điều tra dân số 2015 là 170.000 người.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Sán Chay ở Việt Nam có dân số 169.410 người, có mặt tại 58 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Sán Chay cư trú tập trung tại các tỉnh:
- Tuyên Quang (61.343 người, chiếm 36,2% tổng số người Sán Chay tại Việt Nam),
- Thái Nguyên (32.483 người, chiếm 19,2% tổng số người Sán Chay tại Việt Nam),
- Bắc Giang (25.821 người),
- Quảng Ninh (13.786 người),
- Yên Bái (8.461 người),
- Cao Bằng (7.058 người),
- Đăk Lăk (5.220 người),
- Lạng Sơn (4.384 người),
- Phú Thọ (3.294 người),
- Vĩnh Phúc (1.611 người)…
Người Tày
Người Tày, với các nhóm địa phương là Pa dí, Thổ, Ngạn, Phén, Thu Lao, là một dân tộc thiểu số trong số 54 dân tộc tại Việt Nam. Người Tày nói tiếng Tày, một ngôn ngữ thuộc ngữ chi Thái của hệ ngôn ngữ Tai-Kadai.
Người Tày sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi thấp phía bắc Việt Nam. Người Tày trước đây hay được gọi là người Thổ (tuy nhiên tên gọi này hiện nay được dùng để chỉ một dân tộc khác, xem bài người Thổ). Người Tày có dân số đông thứ 2 ở Việt Nam. Người Tày, Nùng có nguồn gốc và mối quan hệ gần gũi với dân tộc Tráng hay người Choang tại Trung Quốc.
Người Thái
Người Thái đã có mặt ở miền Tây Bắc Việt Nam trên 1200 năm, là hậu duệ những người Thái đã di cư từ vùng đất thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc bây giờ.
Tại Việt Nam, theo Tổng điều tra dân số năm 1999, người Thái có số dân là 1.328.725 người, chiếm 1,74% dân số cả nước, cư trú tập trung tại các tỉnh Lai châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An (số lượng người Thái tại 8 tỉnh này chiếm 97,6% tổng số người Thái ở Việt Nam)và một số ở Tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk. Trong đó tại Sơn La có 482.485 người (54,8 % dân số), Nghệ An có 269.491 người (9,4 % dân số), Thanh Hóa có 210.908 người (6,1 % dân số), Lai Châu cũ (nay là Lai Châu và Điện Biên) có 206.001 người (35,1 % dân số).
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Thái ở Việt Nam có dân số 1.550.423 người, là dân tộc có dân số đứng thứ 3 tại Việt Nam, có mặt trên tất cả 63 tỉnh, thành phố. Người Thái cư trú tập trung tại các tỉnh:
- Sơn La [Mương La] (572.441 người, chiếm 53,2% dân số toàn tỉnh và 36,9% tổng số người Thái tại Việt Nam),
- Nghệ An (295.132 người, chiếm 10,1% dân số toàn tỉnh và 19,0% tổng số người Thái tại Việt Nam),
- Thanh Hóa (225.336 người, chiếm 6,6% dân số toàn tỉnh và 14,5% tổng số người Thái tại Việt Nam),
- Điện Biên [Mương Thèng] (186.270 người, chiếm 38,0% dân số toàn tỉnh và 12,0% tổng số người Thái tại Việt Nam),
- Lai Châu [Mương Lay] (119.805 người, chiếm 32,3% dân số toàn tỉnh và 7,7% tổng số người Thái tại Việt Nam),
- Yên Bái [Mương Lo] (53.104 người),
- Hòa Bình (31.386 người),
- Đắk Lắk (17.135 người),
- Đắk Nông (10.311 người)…
>> Xem thêm: Danh mục 54 Dân tộc anh em tại Việt Nam