Fintech: xu hướng, cơ hội và thách thức đối với các Ngân hàng Việt Nam

[CPP] Hãy cùng đi tìm các vấn đề liên quan đến fintech: Xu hướng phát triển của Fintech trên thế giới, những cơ hội, thách thức đối với các ngân hàng và thực tiễn Việt Nam

Cơ bản về Fintech

Về khái niệm fintech, các sản phẩm fintech, đối tượng fintech và tác động cơ bản của fintech chúng tôi đã đề cập ở bài viết này, mời các bạn xem lại: Fintech là gì? Các sản phẩm của Fintech.

Công nghệ tài chính (hay Fintech, viết tắt của từ tiếng Anh “Financial Technology” đã trở thành một hiện tượng, một xu thế phát triển nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo các start – ups, các nhà đầu tư cũng như Chính phủ/cơ quan quản lý của nhiều nước trên thế giới. Có nhiều định nghĩa liên quan đến thuật ngữ này tuy nhiên nhìn chung đều nhìn nhận Fintech trong mối quan hệ giữa dịch vụ tài chính và công nghệ thông tin. Các công ty hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ sử dụng các công nghệ tiên tiến để cung cấp các dịch vụ tài chính. Các sản phẩm mà họ cung cấp có thể là những sản phẩm dựa trên những ý tưởng sáng tạo mới hoặc có thể là các sản phẩm cũ nhưng được cung cấp theo phương thức mới với một mục đích là đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính. Điều này cho thấy xu hướng phát triển Fintech là tất yếu trong xu thế hội nhập hiện nay.

Xu hướng phát triển Fintech trên thế giới

Trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự bùng nổ của hoạt động đầu tư vào lĩnh vực Fintech trên toàn cầu. Theo thống kê của Fintech Global, sự gia tăng đầu tư vào Fintech đặc biệt mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2014 trở lại đây. Nếu như trong giai đoạn 2010 – 2013, lượng đầu tư vào Fintech giao động trong khoảng 2 – 4 tỷ USD thì đến năm 2017, lượng đầu tư vào Fintech đã tăng lên gấp 10 lần đạt xấp xỉ 40 tỷ USD. Đáng chú ý nửa đầu năm 2018, tổng đầu tư vào Fintech trên toàn cầu đã đạt 41,7 tỷ USD, vượt con số kỷ lục đã đạt được trong cả năm 2017. Điều này cho thấy lĩnh vực này tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trong hoạt động ngân hàng, Fintech thâm nhập vào nhiều lĩnh vực, từ hoạt động cho vay, dịch vụ ngân hàng, quản trị rủi ro, đến các giao dịch tần suất cao, dữ liệu lớn. Phần lớn các khoản đầu tư này tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa vào nhỏ với hai lĩnh vực nổi bật là thanh toán và cho vay, những lĩnh vực vốn là thế mạnh của ngân hàng. Xu hướng và mức độ phát triển của Fintech tại các khu vực và trên thế giới cũng có sự khác nhau. Tuy vậy, có thể thấy rằng mặc dù ở các khu vực khác nhau với mức độ tiếp cận và chấp nhận thị trường khác nhau nhưng không thể phủ nhận rằng Fintech đã và đang dần tạo ra những tác động rất lớn tới thị trường ngân hàng và xu hướng phát triển ngành tài chính ngân hàng trong tương lai. Ngân hàng BBVA của Tây Ban Nha đã tổng kết một số xu hướng phát triển chính của Fintech trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trong thời gian tới sẽ đi theo hai hướng chính:

Thống kê đầu tư vào Fintech trên toàn cầu giai đoạn 2014 – H1/2018

Thống kê đầu tư vào Fintech trên toàn cầu giai đoạn 2014 – H1/2018
Nguồn: Fintech Global

Thứ nhất, Fintech sẽ ngày càng thâm nhập mạnh mẽ hơn vào các lĩnh vực dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, trong đó bên cạnh những lĩnh vực truyền thống vốn là thế mạnh của ngân hàng là thanh toán và cho vay, Fintech sẽ tiếp tục phát triển sang những lĩnh vực có nhiều tiềm năng khác như dịch vụ chuyển tiền quốc tế, cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng,…

Thứ hai, Fintech sẽ tiếp tục đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ mới, nâng cao tiện ích cho người sử dụng cũng như mức độ bảo mật cho khách hàng. Ví dụ như, việc phát triển các công cụ tự phục vụ như Internet Banking và Mobile Banking; cung cấp các giải pháp số hóa cho ngành ngân hàng; cung cấp các giải pháp về POS thế hệ mới như POS sử dụng công nghệ giao tiếp trường gần NFC hoặc mã QR; cung cấp giải pháp công nghệ giúp tăng cường bảo mật khách hàng từ các hoạt động gian lận, làm giả tài khoản và ăn cắp thông tin; phát triển các giải pháp thanh toán ngang hàng và ví điện tử, sử dụng công nghệ phi tiếp xúc cho ví điện tử; áp dụng rộng rãi công nghệ Blockchain trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng; sử dụng các công nghệ hiện đại và dữ liệu từ mạng xã hội để nâng cao các quyết định đầu tư…

Như vậy, có thể nhận thấy trong những xu hướng phát triển của Fintech trong thời gian tới sẽ tiếp tục chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ của Fintech vào các lĩnh vực trong ngành ngân hàng. Điều này có thể tạo ra những cơ hội cũng như những thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong quá trình phát triển dưới kỷ nguyên công nghệ 4.0.

Cơ hội và thách thức của Fintech

Những cơ hội, thách thức đặt ra của Fintech đối với hệ thống ngân hàngxu hướng hình thành mối quan hệ hợp tác giữa Fintech và các ngân hàng.

Theo Ủy ban về ổn định tài chính (2017), sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực Fintech trong thời gian qua có thể mang lại những lợi ích và rủi ro, thách thức đối với hệ thống ngân hàng. Fintech hiện đang có ảnh hưởng tới phần lớn các dịch vụ truyền thống mang tính cốt lõi của ngân hàng (như huy động vốn, cho vay và thanh toán) với hàng loạt công nghệ mang tính đột phá, hiện đại. Chính vì vậy, Fintech cũng chính là những đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của ngân hàng, ảnh hưởng tới thị phần khách hàng của hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, Fintech đặt ra thách thức lớn cho các tổ chức tài chính trong việc thay đổi để thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng phải đặt mình trước yêu cầu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách quản lý phù hợp, không cản trở đổi mới sáng tạo nhưng vẫn bảo vệ người tiêu dùng, ổn định tài chính.

Tuy nhiên, xét một trên một khía cạnh khác, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nói chung và áp lực từ sự phát triển của các công ty Fintech cũng đang làm thay đổi dần cơ cấu tổ chức và hoạt động của một ngân hàng truyền thống. Với sự phát triển của các sản phẩm điện thoại thông minh và thiết bị di động đã làm thay đổi theo quen của người sử dụng trong việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng2. Chính sự thay đổi này sẽ khiến các ngân hàng phải định hình lại chiến lược phát triển của mình. Theo đó, trong tương lai, các ngân hàng sẽ có xu hướng giảm bớt số lượng chi nhánh, chuyển hóa dần vai trò của ngân hàng từ thực hiện giao dịch sang tư vấn, đồng thời hướng tới xây dựng mô hình ngân hàng số nhằm hướng đến cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho nhiều phân khúc khách hàng.

Cùng với xu hướng giảm dần về số lượng chi nhánh, nhân sự của ngân hàng trong thời đại công nghệ phát triển cũng sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Điều dễ nhận thấy nhất là việc ngân hàng sẽ cắt giảm bớt số lượng nhân viên tại các chi nhánh, thay đổi vai trò của những giao dịch viên truyền thống trở thành các tư vấn viên. Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ hướng sự chú ý của mình tới các đối tượng là các nhân viên cao cấp, có thể xử lý giải quyết các vấn đề cả về tài chính lẫn công nghệ, đặc biệt là các nhân viên có trình độ cao về công nghệ.

Như vậy, cũng nhờ sự phát triển của những công ty Fintech, hoạt động ngân hàng hứa hẹn sẽ có những thay đổi lớn cả về công nghệ lẫn dịch vụ khách hàng thông qua hai hình thức: thứ nhất, bản thân các ngân hàng sẽ tiến hành đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở công nghệ mới thay thế cho các hệ thống công nghệ đã cũ của ngân hàng cũng như hiện đại hóa các quy trình hoạt động hiện hành; thứ hai, các ngân hàng sẽ tiến hành liên kết, hợp tác với những công ty Fintech nhằm tận dụng những ưu thế sẵn có về công nghệ của những công ty này, nhằm hướng đến mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.

Hiện tại, mặc dù các ngân hàng có thể không thiếu tiềm lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng ban đầu nhưng họ luôn có độ trễ nhất định trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động so với các ngành khác. Thực tế đó nếu không được nhanh chóng khắc phục sẽ trở thành lực cản vô hình cho khu vực ngân hàng trong việc tham gia sân chơi của hệ sinh thái hoạt động ngân hàng số (digital banking ecosysterm). Để giải quyết vấn đề này, sự hợp tác giữa ngân hàng và fintech dưới hình thức đối tác được xem là một chiến lược phù hợp.

Trên thực tế, con số tăng trưởng về quy mô và số lượng của các Fintech trên thị trường tài chính toàn cầu từ năm 2015 đến nay có khoảng trên 2000 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech so với con số 800 doanh nghiệp của năm 2015 đã buộc các ngân hàng phải thay đổi sự nhìn nhận của mình đối với các đối thủ cạnh tranh để có nhưng thay đổi hợp lý trong phương thức kinh doanh, chiến lược phát triển. Hiện tại các ngân hàng đang có khuynh hướng chuyển từ phương thức cạnh tranh sang hợp tác với vai trò là đối tác.Về cơ bản mối quan hệ đối tác ở đây được tiến hành theo phương thức win – win, trong đó, các ngân hàng sẽ có thể ứng dụng, cập nhật ngay các công nghệ hiện đại, không cần bỏ ra quá nhiều chi phí cho cơ sở hạ tầng công nghệ ban đầu và có thể đáp ứng được yêu cầu cao hơn của khách hàng cả về chất lượng, giá cả và độ tin cậy, trong khi đó các Fintech có thể khai thác được mạng lưới khách hàng, dữ liệu và nguồn vốn của ngân hàng.

Theo báo cáo Fintech toàn cầu năm 2017 của PwC, hiện nay trung bình 45% số ngân hàng được hỏi trên toàn cầu đã có sự hợp tác với các công ty Fintech trong việc phát triển và cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tăng cao hơn so với mức 32% của năm 2016. Mặc dù vậy, mức độ hợp tác có sự chênh lệch rõ rệt giữa các quốc gia, Đức đang dẫn đầu với tỷ lệ 70% trong khi đó Hàn Quốc ở mức thấp nhất là 14%. Cũng theo dự báo của PwC, trong tương lai, xu hướng hợp tác giữa các công ty Fintech và ngân hàng được dự báo tiếp tục gia tăng với ước khoảng trung bình 82% số ngân hàng trên toàn cầu sẽ có sự hợp tác với các công ty Fintech trong vòng 3 đến 5 năm tới. Việc hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech cũng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, 84% số người được phỏng vấn cho rằng hợp tác sẽ tập trung vào thanh toán, tiếp đến là các lĩnh vực chuyển tiền, tài chính cá nhân, cho vay,…

Thống kê tỷ lệ số ngân hàng có sự hợp tác với các công ty Fintech hiện tại và dự báo trong 3 – 5 năm tới

Thống kê tỷ lệ số ngân hàng có sự hợp tác với các công ty Fintech hiện tại và dự báo trong 3 – 5 năm tới
Nguồn: PwC Global Fintech Report 2017

Các lĩnh vực hợp tác giữa các ngân hàng và công ty Fintech

Các lĩnh vực hợp tác giữa các ngân hàng và công ty Fintech
Nguồn: PwC Global Fintech Report 2017

Hướng đi cho ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh sự phát triển của Fintech
đang tác động mạnh đến hoạt động của khu vực ngân hàng.

Lĩnh vực Fintech ở Việt Nam còn khá mới mẻ mặc dù các công ty trung gian thanh toán (Fintech trong lĩnh vực thanh toán) đã xuất hiện vào năm 2008. Hiện nay, trên thị trường có khoảng 80 công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó phần lớn tập trung vào mảng thanh toán (chiếm gần 60%). Hiện có 2/3 các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến (như Onepay, 123 Pay, Vina Pay, MoMo,…); cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số như POS/mPOS (như iBox, Moca,…); chuyển tiền (như Nodestr, Matchmove, Cash2vn, Remittence Hub)…

Ngoài ra, thị trường Fintech Việt Nam còn có một số doanh nghiệp khởi nghiệp (startups) hoạt động ở những lĩnh vực khác như gọi vốn cộng đồng (như FundStart, Comiloca, Betado hay FirstStep,…); dịch vụ cho vay trực tuyến (LoanVi, Tima, Trust Circle); quản lý dữ liệu tài chính cá nhân (như Moneylover, Mobivi, Kiu); quản lý dữ liệu khách hàng (như Circle Bi, Trusting Social); ngân hàng kỹ thuật số (Timo); so sánh dịch vụ tài chính (như BankGo, GoBear);…

Một số công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam

Một số công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam
Nguồn: Thống kê từ Vụ Thanh toán, NHNN

Mặc dù mới phát triển ở giai đoạn còn khá sơ khai như vậy, nhưng lĩnh vực Fintech tại Việt Nam cũng đang đón đầu một làn sóng đầu tư vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Bắt đầu với thương vụ đầu tư 28 triệu USD từ Quỹ đầu tư tư nhân Standard Chartered và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Golman Sachs vào Công ty cổ phần M Service, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử MoMo vào năm 2014, đến nay nhiều khoản đầu tư và các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam đã được hiện thực hóa. Theo thống kê của Tropica Founder Institute cho thấy trong năm 2016, tổng giá trị các thương vụ đầu tư liên quan đến các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech tại Việt Nam đã lên tới 129 triệu USD, chiếm 63% tổng giá trị các thương vụ Startups ở các lĩnh vực khác nhau.

Như vậy, xu hướng phát triển mạnh mẽ của Fintech tại Việt Nam đang gia tăng tầm ảnh hưởng trên thị trường tài chính – ngân hàng trong nước. Đây được cho là thách thức lớn với các ngân hàng, nhưng ở một khía cạnh khác cũng chính là cơ hội cho những tổ chức tín dụng biết nắm bắt thời cơ đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ thông tin để thu hút nhiều khách hàng hơn.

Nhìn một cách toàn diện, sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech sẽ giúp một bộ phận người dân, đặc biệt là tại các vùng sâu vùng xa, được tiếp cận với các dịch vụ tài chính hiện đại nhưng gần gũi. Đây chính là một “bước đệm” quan trọng, trang bị những kỹ năng cơ bản khi sử dụng dịch vụ tài chính cho bộ phận khách hàng chưa từng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Những khách hàng này sẽ không còn bỡ ngỡ và được kỳ vọng sẽ chủ động hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ chuyên nghiệp của ngân hàng trong tương lai.

Với những ngân hàng có hệ thống Internet Banking chưa phát triển mạnh, việc hợp tác với các doanh nghiệp Fintech cũng là lời giải trong ngắn hạn cho bài toán gia tăng tiện ích cho khách hàng, một trong những yếu tố then chốt với các ngân hàng định hướng bán lẻ. Đó cũng là lý do mà hầu như các ngân hàng hiện nay đều ký hợp tác với một hoặc vài doanh nghiệp Fintech để gia tăng lựa chọn trong vấn đề thanh toán, chuyển tiền cho khách hàng của mình. Về phía các công ty Fintech, trong một khảo sát gần đây được thực hiện bởi ADB – MBI, 72% các doanh nghiệp Fintech được hỏi trả lời mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp Fintech cần sự hợp tác từ các ngân hàng.

Mô hình kinh doanh Fintech tại Việt Nam

Mô hình kinh doanh Fintech tại Việt Nam
Nguồn: ADB MBI survey

Hiện nay tất cả các công ty trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động đều phối hợp với ngân hàng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng. Ví dụ như: VP Bank hiện nay đang hợp tác với công ty Fintech Timo trong cung cấp dịch vụ ngân hàng số, hợp tác với công ty Moca trong cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số; NHTM CP Quân đội hợp tác với một công ty Fintech tạo ra công nghệ cho phép người dùng thực hiện giao dịch ngay trong ứng dụng Messenger của Facebook; mô hình dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các đại lý viễn thông của Công ty Cổ phần Di động Trực tuyến (M_Service) ở khu vực nông thôn; mô hình dịch vụ chuyển tiền của Ngân hàng TMCP Quân đội trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới của Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo…

Không chỉ dừng ở việc hợp tác với các công ty Fintech, việc đầu tư vào công nghệ thông tin, tăng cường an toàn hệ thống cũng là một đòi hỏi tất yếu của các ngân hàng trong bối cảnh công nghệ đang phát triển từng ngày, từng giờ.

Thực tiễn đã cho thấy, những doanh nghiệp nhanh nhạy trong việc đầu tư và làm chủ công nghệ sẽ có bước phát triển vượt bậc. Khi “đối thủ” Fintech còn đang trong giai đoạn sơ khai, một số ngân hàng định hướng bán lẻ đã bắt đầu tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhằm đem đến những trải nghiệm ngân hàng tốt nhất cho khách hàng, đó là sự tiện lợi, nhanh chóng nhưng an toàn. Một khi ba tiêu chí trên được đáp ứng, cộng thêm thương hiệu và quy mô sẵn có, ngân hàng sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu của khách hàng yêu công nghệ và đòi hỏi sự thuận tiện.

Vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong sự hợp tác giữa các công ty Fintech với các NHTM

Vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình hoàn thiện hệ sinh thái, thúc đẩy sự phát triển và hợp tác giữa các công ty Fintech với các NHTM.

Nhận thức được vai trò của các công ty Fintech cũng như những cơ hội và thách thức mà Fintech mang lại đối với ngành ngân hàng, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, thúc đẩy sự phát triển của các công ty Fintech đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho sự hợp tác giữa Fintech và các ngân hàng.

Trước hết, trong những năm qua, NHNN đã và đang chủ động trong việc tiếp cận vấn đề và đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho việc gia nhập thị trường của các công ty này. Bên cạnh đó, ngày 16/3/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 328/QĐ- NHNN thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính. Đây là một bước đi quan trọng và minh chứng cho cách tiếp cận nghiêm túc của Chính phủ trong việc phát triển một khuôn khổ định hướng cho lĩnh vực Fintech phát triển.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Fintech, NHNN đã hoàn thành Báo cáo đánh giá về Hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam, đồng thời đề ra các nội dung trọng tâm của Fintech cần khẩn trương tập trung nghiên cứu. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN cũng thiết lập các kênh đối thoại trực tiếp với các công ty Fintech, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các công ty Fintech để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Gần đây nhất, NHNN đã tiến hành triển khai xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng để tạo lập nền tảng pháp lý và các điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai các công nghệ mới, thúc đẩy quá trình hợp tác giữa hệ thống ngân hàng và các công ty Fintech. Trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng 2030 cũng đã khẳng định việc cần khuyến khích hợp tác trong mối quan hệ cạnh tranh lành mạnh giữa ngân hàng và các công ty Fintech và cần ban hành chuẩn kết nối giữa các tổ chức tín dụng với các tổ chức công nghệ tài chính.

Tóm lại, từ quá trình phát triển của Fintech trên thế giới cho thấy đây sẽ tiếp tục là một lĩnh vực có sự tăng tốc mạnh mẽ trong tương lai, từ đó tạo ra những tác động mạnh đến hoạt động của hệ thống ngân hàng trên toàn cầu, trong đó có hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong bối cảnh đó, gia tăng hợp tác với các công ty Fintech là một hướng đi phù hợp để các ngân hàng Việt Nam có thể nhanh chóng khai thác được các lợi thế so sánh và hạn chế được những tác động bất lợi có thể xảy ra. Nhưng bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục thực hiện các bước cải tổ mạnh mẽ, đặc biệt trong việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để luôn giữ vai trò là động lực phát triển đi đầu trong hệ thống tài chính. Đồng thời, NHNN cũng cần tiếp tục triển khai các giải pháp để hoàn thiện hệ sinh thái Fintech, hỗ trợ cho sự phát triển của các chủ thể tham gia thị trường, đưa hệ thống tài chính trong nước đạt được các bước tiến mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Accenture (2016), the future of Fintech and banking; Capgemini, 2017, top 10 trends in banking 2017;
2. Capgemini, 2017, World Fintech report 2017;
3. Capgemini, 2017, top 10 trends in banking 2017;
4. KPMG, 2017, Global survey of Fintech activities in financial institution 2017;
5. Fintechnew.sg (2017), Fintech Vietnam market overview 2017;
6. PwC, 2017, Global Fintech Report 2017, FinTech’s growing influence on Financial

Services;
7. PwC, 2017, Financial Services Technology 2020 and Beyond: Embracing disruption;

Nguồn bài viết: XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN FINTECH TRÊN THẾ GIỚI, NHỮNG CƠ HỘI, THÁCH THỨC ĐẶT RA VỚI NGÀNH NGÂN HÀNG VÀ THỰC TIỄN TẠI VIỆT NAM, TS. Nguyễn Thị HiềnThS. Nguyễn Thị Minh Ngọc (Mã số ISBN: 978-604-922-684-7).

guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x