[CPP] Bài viết tổng hợp các thông tin về cây Ích mẫu: Cây ích mẫu là gì? Công dụng của ích mẫu? Một số loại thuốc có chứa ích mẫu và các đơn thuốc/bài thuốc hay từ cây ích mẫu?một số thông tin chính về cây ích mẫu: tên gọi, mô tả, phân bố, thu hái và chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý, công dụng và liều dùng, hình ảnh cây Ích mẫu…

Cây ích mẫu là gì?

Mục lục ẩn
Cây ích mẫu là gì?
Cây ích mẫu là gì?

Ích mẫu nghĩa là có ích cho người mẹ!

Ích mẫu còn có tên gọi khác là ích minh, cây sung úy, làm ngài, xác điến, cây chói đèn (dân tộc Tày), chạ linh lo (dân tộc Thái). Tên khoa học là Leonurus heterophyllus, họ Lamiaceae (họ Hoa Môi), là loại cây mọc hoang ở nước ta và nhiều nước khác trên thế giới (ngày nay đã được trồng để đáp ứng nhu cầu).

  • Tên dân gian: Vị thuốc Ích mẫu còn gọi Dã Thiên Ma (Bản Thảo Hội Biên), Đại Trát, Phản Hồn Đơn, Thấu Cốt Thảo, Thiên Chi Ma, Thiên Tằng Tháp, Tiểu Hồ Ma, Uất Xú Miêu, Xú Uất Thảo (Hòa Hán Dược Khảo), Đồi Thôi (Xuyến Nhã), Hạ Khô Thảo (Ngoại Đài Bí Yếu),Hỏa Hiêm, Ích Minh (Bản Kinh), Khổ Đê Thảo (Thiên Kim Phương), Ngưu Tần (Xuyến Nhã Chú), Phụ Đảm, Quĩ, Sung Uất Tử, Tạm Thái (Bản Thảo Thập Di), Trinh Úy (Danh Y Biệt Lục), Thổ Chất Hãn, Trư Ma (Bản Thảo Cương Mục), Uất Xú Thảo (Cừu Ân Sản Bảo), Uyên Ương Đằng, (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), Sung Úy Thảo (Đông Dược Học Thiết Yếu). hạt cây gọi là Sung úy tử
  • Tên Khoa Học: Herba leonuri Heterophylli.Leonurus heterophyllus Sweet.
  • Họ khoa học: Họ Hoa Môi (Lamiaceae).
  • Tên tiếng trung: 益母草 (Yì Mǔ Cǎo – ích mẫu thảo)

Truyền thuyết về cây ích mẫu

Truyền thuyết về cây ích mẫu – vị thuốc cực tốt cho các chị em phụ nữ

Cây ích mẫu là một trong những vị thuốc quý của nền Y học cổ truyền với công dụng chủ yếu là dành cho phái nữ. Ngay từ cái tên cũng đã cho ta thấy phần nào tác dụng của vị thuốc này: ích mẫu nghĩa là có ích cho người mẹ.

Tương truyền thời xưa, ở chân núi Đại Cố, có một cô thôn nữ hiền lành tên là Tú Nương. Sau khi lấy chồng được mấy tháng thì nàng có mang. Một hôm, Tú Nương đang ngồi trong nhà dệt vải, bỗng nghe có tiếng vó ngựa ầm ầm. Cô nhìn ra cửa, thấy có một con nai chân bị thương tập tễnh chạy vào nhà, nghênh đầu kêu “be, be” hết sức đáng thương. Tú Nương nhìn về phía xa thấy có một toán thợ săn đang phi ngựa đến. Cô liền dẫn con nai trốn xuống gầm ghế mình đang ngồi và lấy chăn che kín lại. Khi tốp thợ săn tới trước cửa, hỏi có thấy con nai hay không, cô làm như chẳng có chuyện gì, cứ tiếp tục dệt vải và điềm nhiên trả lời: “Nó đã chạy về phía đông rồi!”. Toán thợ săn liền phóng ngựa đi. Đợi họ đi khuất cô mới gọi con nai ra và chỉ: “Hãy mau chạy ngay về phía tây!”. Con nai như hiểu ý, cảm kích gật đầu mấy cái, rồi khập khiễng chạy về phía tây.

Vài tuần sau, Tú Nương trở dạ, không may lại bị chứng khó đẻ. Bà đỡ cố gắng mãi, nhưng cũng đành bó tay. Người chồng mời thầy thuốc đến khám, cho uống đủ thứ thuốc thúc đẻ cũng vẫn vô dụng. Trong khi đó mẹ chồng cô cũng đến chùa thắp hương cầu thần linh phù hộ. Cả nhà nhìn Tú Nương bụng quằn quại và không thể cầm nổi nước mắt. Đúng lúc ấy con nai xuất hiện, miệng ngậm mấy nhánh cây, tiến tới gần chỗ Tú Nương mắt đang đẫm lệ, miệng kêu “be, be”. Tú Nương mở mắt, nhận ra đó chính là con nai đã được mình giải thoát mấy tháng trước. Cô liền hiểu ý và bảo chồng lấy mấy nhánh cây từ miệng con nai đem sắc lên cho mình uống. Con nai gật đầu mấy cái rồi chạy trở về núi. Uống xong bát thuốc, chỉ một lát sau Tú Nương đã cảm thấy cơn đau dịu bớt, toàn thân khoan khoái. Chẳng bao lâu đã nghe tiếng trẻ khóc “oe oe”…

Biết được tác dụng kỳ diệu của cây thuốc con nai mang tới, người chồng liền lên núi tìm kiếm và nhổ về trồng ở quanh nhà, dùng làm thuốc chữa bệnh cho phụ nữ trong thôn. Kinh nghiệm quý báu đó đã lan rộng và lưu truyền tới tận ngày nay. Dân gian còn để lại hai câu thơ nổi bật lên công dụng của loài cây này:

Nhân trần, ích mẫu đi đâu
Để cho gái đẻ đớn đau thế này!

Công dụng của cây ích mẫu

Công dụng của ích mẫu theo Đông y

Ích mẫu có vị cay đắng, tính mát, đi vào kinh can và tâm bào nên có tác dụng hoạt huyết, khứ ứ, sinh tân (thải huyết ứ, sinh huyết mới), tiêu thủy nên còn là thuốc có tác dụng trị nhiều bệnh cho chị em như chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, kinh nguyệt ra nhiều, máu ứ tích tụ sau khi sinh đẻ, giảm đau, giúp dễ đẻ, thống kinh, bế kinh, phù nề cổ trướng…

Hạt ích mẫu có vị cay, tính hơi ấm, tác dụng bổ can thận, ích tinh sáng mắt, bổ huyết, hoạt huyết và điều kinh. Hạt có tác dụng làm cho dạ con mau co lại, thuốc lợi tiểu. Mỗi ngày dùng 6 – 12g thân lá hoặc hạt sắc uống.

*Chú ý: không dùng ích mẫu cho người huyết hư không ứ, phụ nữ mang thai.

Một số bài thuốc hay từ cây ích mẫu và một số loại thuốc có chứa ích mẫu

Một số bài thuốc hay từ cây ích mẫu và một số loại thuốc có chứa ích mẫu
Một số bài thuốc hay từ cây ích mẫu và một số loại thuốc có chứa ích mẫu

Bài thuốc/đơn thuốc sử dụng ích mẫu

Bài 1: Ích mẫu thảo 20g

  • Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, thấy kinh trước kỳ (ngắn vòng), kinh ít, đau bụng trước khi thấy kinh
  • Sắc uống 10 ngày kể từ ngày thứ 14 sau kỳ kinh.

Bài 2: Ích mẫu thảo 20g, ngưu tất, rau dừa nước mỗi vị 15g sắc

  • Chủ trị: Chữa sau khi đẻ phù thũng, hoặc có thai đi đứng nhiều, xuống máu chân

Bài 3: Ích mẫu thảo 30 – 60g, nấu với trứng gà hay thịt gà, ăn bình thường.

Chủ trị: Suy nhược toàn thân và cằn cỗi ở phụ nữ

Dùng ngoài

Lấy cây tươi giã đắp trị mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, sưng vú và chốc đầu.

Hạt ích mẫu (sung úy tử)

Chữa phù thũng, thiên đầu thống, thông tiểu.

Bài thuốc cao ích mẫu

  • Cao ích mẫu: Cây ích mẫu nấu với nước, cô đặc thành cao mềm. Trong nhân dân trước đây thường dùng loại cao này.
  • Cao ích mẫu bán trên thị trường hiện nay thường không phải chỉ có vị ích mẫu, mà thường phối hợp nhiều vị khác nhau, ví dụ cao ích mẫu của Thanh Hóa gồm ích mẫu nước 800g, ngải diệp 200g, hương phụ tứ chế 250g (căn bản theo đơn cao hương ngải thêm bớt một chút)
  • Đơn cao ích mẫu của Quốc doanh dược phẩm Nghệ An gồm ích mẫu 70%, xuyên khung 2%, đương quy 10%, bạch thược 3%, thục địa 1%, bắc mộc hương 1%, đại táo 2%, trần bì 1%, hương phụ chế 5%, ô dược 2%. Ngay tại mỗi nơi, tùy theo thời kỳ, công thức cũng thay đổi cho nên khi dùng và theo dõi kết quả cần chú ý để tránh nhầm lẫn.
  • Cao ích mẫu hiện nay được thống nhất theo đơn: ích mẫu 800g, ngải cứu 200g, hương phụ 250g, tá dược (xirô, cồn 15%) vừa đủ 1000g. Cao hương ngải.

Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc ích mẫu & tổng hợp một số đơn thuốc từ ích mẫu

Trị các loại mụn nhọt, nhũ ung, trẻ nhỏ đầu bị lở loét: Dã thiên ma (Ích mẫu thảo) 20g, cho vào nồi sành, đổ nước đầy ngập gấp đôi, nấu cạn còn phân nửa, chia ra làm 3-4 lần để rửa nơi đau. Tính nó sát được trùng, làm cho khỏi ngứa, thật là thần hiệu (Thiên Kim phương).

  • Trị sản hậu huyết bị bế không ra được:
    Ích mẫu, gĩa vắt lấy nước cốt, thêm ít rượu, uống 1 chén (Thánh Huệ phương).
  • Trị sữa bị tắc gây ra nhũ ung:
    Ích mẫu, tán bột, hòa với nước bôi trên vú 1 đêm là khỏi (Thánh Huệ phương).
  • Trị tai thối, chảy nước vàng ra hoài:
    Dùng ngọn và lá non cây Ích mẫu, gĩa, vắt lấy nước cốtnhỏ vào tai (Thánh Huệ phương).
  • Trị đinh nhọt, lở ngứa:
    Ích mẫu gĩa nát đắp vào chỗ đau. Nhưng phải vắt lấy nước cốt uống mới mau khỏi và còn có ý để phòng độc chạy vào trong (Thánh Huệ phương).
  • Trị xích bạch đới hạ:
    Ích mẫu (hoa), lúc mới nở, thái nhỏ, phơi khô. Tán bột. Uống trước bữa ăn, mỗi lần 12g, với nước sôi (Tập Nghiệm phương).
  • Trị trẻ nhỏ bị cam tích rồi đi lỵ nặng:
    Ích mẫu, lấy lá non và búp, nấu với cháo cho ăn (Quảng Lợi Thần Hiệu phương).
  • Trị thai chết trong bụng:
    Ích mẫu, gĩa nát, cho vào ít nước còn hơi nóng, vắt lấy nước cốt uống (Vi Trụ Độc Hành phương).
  • Trị sản hậu bị huyết vận mà Tâm khí muốn tuyệt:
    Ích mẫu gĩa vắt lấy nước uống 1 chén (Tử Mẫu Bí Lục).
  • Trị trĩ:
    Ích mẫu, gĩa vắt lấy nước cốt cho uống (Thực Y Kính phương).
  • Trị mụn nhọt rôm sẩy:
    Ích mẫu thảo, gĩa nát đắp (Đẩu Môn Phương).
  • Trị họng sưng đau, nghẹn, khó thở:
    Ích mẫu, gĩa nát, hòa với 1 chén nước mới múc dưới sông lên, vắt lấy nước cốt, uống hết sẽ làm cho nôn ra được là khỏi (Vệ Sinh Giản Tiện Phương).
  • Đề phòng trẻ mới sinh sau này không bị ghẻ lở:
    Ích mẫu nấu nước tắm (Giản Yếu Tế Chúng Phương).
  • Trị kinh nguyệt không đều, trưng hà, lâu ngày không có thai:
    Ích mẫu thảo, Đương quy, Mộc hương, Xích thược, lượng bằng nhau. Tán bột, luyện mật làm hoàn to như hạt bắp, uống với nước nóng (Ích Mẫu Hoàn – Y Học Nhập Môn).
  • Trị thai chết trong bụng:
    Ích mẫu gĩa lấy nước cốt hòa với nước Đồng tiện (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
  • Trị kinh nguyệt không đều:
    Ích mẫu 10g, Đương quy 10g, Xích thược 10g, Mộc hương 5g. Phơi khô, tán bột, uống (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
  • Trị kinh nguyệt không đều:
    Cao Ích mẫu (gồm Ích mẫu 800g, Ngải cứu 200g, Hương phụ 250g, Tá dược vừa đủ 1 lít). Ngày uống 2-3 lần mỗi lần 10-20ml (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
  • Bổ huyết điều kinh:
    Ích mẫu 80g, Nga truật 60g, Ngải cứu 40g, Củ gấu 40g, Hương nhu 30g. Các vị sao, tán bột, luyện với đường làm viên to bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 60 viên, chia làm 3 lần (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
  • Trị kinh nguyệt không đều, thống kinh, sau khi sinh hoặc nạo thai mà máu ra nhiều:
    Ích mẫu (tươi) 60g, Kê huyết đằng 30g. Sắc nước, thêm đường uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
  • Trị kinh nguyệt không đều, sau khi sinh tử cung xuất huyết, kinh nguyệt ra nhiều:
    Ích mẫu 15-20g, sắc uống. Tác giả nhận xét là sau khi uống 1-2 giờ, có 14,6 đã tử cung co bóp tăng, sau 2 giờ tử cung tăng lên 25% (Trung Hoa Phụ Sản Khoa Tạp Chí 1956, 2: 202).
  • Trị phù do cầu Thận viêm mạn, huyết áp cao:
    Ích mẫu 20g, Bạch mao căn 15g, Phục linh 15g, Xa tiền tử 15g, Bạch truật 10g, Tang bì 10g. Sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
  • Trị phù do cầu Thận viêm mạn, huyết áp cao:
    Ích mẫu 100-200giữa (dùng tươi: tăng gấp đôi – trẻ em giảm 1/2 liều) sắc với 700ml nước còn 300ml, chia 3 lần uống. Có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù rõ. Đối với cầu thận viêm cấp kết quả tốt (Vân Nam Trung Y Tạp Chí 1984, 2: 84).
  • Trị bệnh mạch vành:
    Vương Triết Thân và cộng sự dùng thuốc tiêm Ích mẫu nhỏ giọt tĩnh mạch trị 100 cas bệnh mạch vàng, thiếu máu cơ tim. Kết quả lâm sàng tốt 45%, có tiến bộ 39%. Tỉ lệ có kết quả 84%, kết quả điện tim tốt 28%, tiến bộ 33%, tỉ lệ điện tim là 61% (Trung Y Tạp Chí 1985, 26(3): 29).
  • Trị huyết áp cao:
    Ích mẫu, Ngô đồng, Hy thiêm thảo, Hạ khô thảo, chế thành bài thuốc trị 59 cas huyết áp cao. Sau 1 ngày uống thuốc, huyết áp đã hạ. Tác dụng tốt nhất vào ngày thứ 10 (Tuyển Tập Tư Liệu Nghiên Cứu Y Học – Sở Nghiên Cứu Y Dược Phúc Kiến 1977, 3:23).
  • Trị kinh nguyệt không đều, thống kinh:
    Ích mẫu 800g, Ngải cứu 200g, Hương phụ 250g, Xi rô và cồn 150 nấu vừa đủ 1 lít. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-20ml (Cao Ích Mẫu – Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

Món ăn làm thuốc từ cây ích mẫu

Các trường hợp bế kinh, mất kinh: Dùng món “Đậu đen hầm ích mẫu thảo

Ích mẫu thảo 30g (gói trong vải xô), đậu đen 30g, đường đỏ 30g. Nấu đến khi đậu đen chín nhừ, vớt bỏ bã thuốc, thêm 30ml rượu khuấy đều cho uống.

Phụ nữ kinh nguyệt không đều: dùng “Canh trứng gà ích mẫu

Ích mẫu thảo 50g, hồng hoa 10g, sài hồ 10g, trứng gà 2 quả. Tất cả cùng đem nấu, khi trứng chín, đập bỏ vỏ trứng, đặt lại 2 quả trứng chín vào nồi nấu tiếp, vớt bỏ bã thuốc, cho thêm ít đường và gia vị, ăn trứng và uống nước canh, sáng và tối.

Bế kinh, tắt kinh sớm do huyết hư, suy nhược cơ thể: dùng “Chè ích mẫu đại táo

Ích mẫu thảo 30g, đại táo 30 quả, gừng tươi 20g, đường 60g. Tất cả cùng đem nấu nước uống thay nước chè. Ngày sắc 1 lần, cho uống trong ngày. Uống vào trước kỳ kinh 5 – 10 ngày liền.

Một số thông tin chính về cây ích mẫu

Một số thông tin chính về cây ích mẫu
Một số thông tin chính về cây ích mẫu

Tên gọi cây ích mẫu

  • Tên tiếng Việt: Ích mẫu, Sung uý, Chói đèn, Làm ngài, Xác diến (Tày), Chạ linh lo (Thái)
  • Tên khoa học: Leonurus japonicus Houtt. – L. artemisia (Lour.) S.Y.Hu; L. heterophyllus Sweet
  • Họ: Lamiaceae

Mô tả, đặc điểm cây ích mẫu

  • Cây ích mẫu có tên như vậy vì có ích cho người mẹ (ích là có ích, mẫu là mẹ). Tên Leonurus do chữ Hy lạp leon là sư tử, oura là đuôi, heterophyllus là lá có hình dạng biến đổi, vì cây ích mẫu giống đuôi con sư tử có lá hình dạng thay đổi. Ích mẫu là một loại cỏ sống 1-2 năm, cao 0,6m đến 1m.
  • Thân hình vuông, ít phân nhánh, toàn thân có phủ lông nhỏ ngắn.
  • Lá mọc đối, tùy theo lá mọc ở gốc, giữa thân hay đầu cành mà có hình dạng khác nhau. Lá ở gốc, có cuống dài, phiến lá hình tim, mép có răng cưa thô và sâu; lá ở thân có cuống ngắn hơn, phiến lá thường xẻ sâu thành 3 thùy, trên mỗi thùy lại có răng cưa thưa; lá trên cùng phần lớn không chia thùy và hầu như không cuống.
  • Hoa mọc vòng ở kẽ lá. Tràng hoa màu hồng hay tím hồng, xẻ thành hai môi gần đều nhau.
  • Quả nhỏ, 3 cạnh, vỏ màu xám nâu

Ngoài cây ích mẫu mô tả trên, cần chú ý phát hiện và phân biệt cây ích mẫu Leonurus sibiricus L (tạm gọi là cây ích mẫu hoa to) vì cây này khác cây ích mẫu mói trên ở hoa to hơn, dài hơn, lá phía trên vẫn chia 3 thùy. Ta có thể tóm tắt sự khác nhau giữa hai cây như sau:

  • Lá trên cùng không chia thùy, tràng hoa dài 9-12mm, môi trên, môi dưới gần bằng nhau Leonurus heterophyllus. Theo các tài liệu mới hiện nay họ Hoa môi có tên khoa học là Lamiaceace.
  • Lá trên cùng xẻ 3 thùy, tràng hoa hài 15-20mm, môi dưới ngắn hơn môi trên Leonurus

Phân bố, thu hái và chế biến cây ích mẫu

  • Ích mẫu hiện nay chủ yếu mọc hoang, thường thấy ở ven suối, ven sông nơi đất cát, còn mọc hoang ở ruộng hoang, ven đường. Gần đây một số nơi đã bắt đầu trồng để làm thuốc. Nhưng chưa ai tổng kết cách trồng như thế nào để có hiệu suất cao nhất.
  • Hiện nay nhu cầu ích mẫu rất lớn chỉ trông vào thu hái ích mẫu mọc hoang không đủ. Chúng tôi tóm tắt một số kinh nghiệm trồng ích mẫu tại trạm trồng cây thuốc Nam Xuyên (Trung Quốc) để tham khảo:
    • Ích mẫu mùa đông cần trồng vào mùa thu, ích mẫu xuân gieo trồng vào mùa xuân hay mùa thu, ích mẫu mùa hạ cũng có thể gieo trồng vào mùa xuân hay mùa thu. Ích mẫu mùa hạ cho hiệu suất cao nhất (9 tấn khô 1 hecta), nhưng thời gian từ khi gieo đến thu hoạch trên 10 tháng, còn các loại mùa xuân hay mùa đông chỉ trên 8 tháng nhưng năng suất chỉ được 4-6 tấn khô/ hecta.
    • Gieo hạt thẳng thành luống, mỗi luống cách nhau 17cm, trên mỗi luống cây nọ cách cây kia 7cm cho sản lượng cao nhất. Mỗi hecta cần đến 8-9 kg hạt giống. Khi trồng cần trộn hạt với tro bếp. Vào khoảng tháng 5-6, lúc một nửa số hoa của cây bắt đầu nở thì bắt đầu thu hái.
    • Đem về phơi hay sấy khô là được. Nếu muốn thu hoạch hạt (quả) thì cần chờ khi hoa trên cây đã tàn hết, thu hoạch đến đâu giũ hết quả đến đó. Mỗi hecta cho tờ 350-370 kg quả khô. Mùa thu hoạch cây: tháng 5-9, mùa quả: tháng 8-10.

Thành phần hóa học cây ích mẫu

  • Cây ích mẫu Leonurus heterophyllus chưa thấy tài liệu nghiên cứu. Sơ bộ chúng tôi thấy phản ứng ancaloit và tanin (7-8%), flavonozit.
  • Từ cây ích mẫu Leonurus sibiricus, các nhà nghiên cứu Nhật Bản ( Nhật bản dược vật học tạp chí 1930, tr.153-158) đã chiết được 0,05% ancaloit gọi là leonirin C13H19O4N4 có độ chảy 238oC.
  • Năm 1958, một số tác giả khác (Bắc Kinh y học viện học báo kỳ I) đã chiết từ ích mẫu Leonurus sibiricus 5 chất có tinh thể: 2 chất đầu là ancaloit và gọi là leonurin A: C20H32O10N6 có độ chảy 229-230oC, leorunin B: C14H24O7N4 chảy 77-78oC, 86-87oC và 141-142oC.
  • Năm 1940, Thang Đằng Hán (1940 J.Chem. Soc.vol.7, N02) chiết từ phần tan trong nước một chất gọi là leonuridin công thức C6H12O3N2 có độ chảy 221,5-222oC. Trong cây và quả ích mẫu, Hứa thực Phương (J.Chem.Soc.vol 2, N03) còn báo cáo chiết được một ancaloit khác còn gọi là leonurinin có độ chảy 262-263oC với công thức C10H14O3N2.
  • Tỷ lệ ancaloit cao nhất vào tháng 5, sau đó giảm xuống. Ngoài ra trong cây ích mẫu còn có tanin, chất đắng, saponin và 0,03% tinh dầu.
  • Hoạt chất của ích mẫu như thế cũng chưa được xác định chắc chắn, nhưng trên cơ sở dược lý người ta thấy trong ích mẫu có 2 loại hoạt chất. Một loại hoạt chất tan trong ête có tác dụng ức chế tử cung, một loại hoạt chất không tan trong ête có tác dụng kích thích tử cung.
  • Gần đây người ta thấy trong ích mẫu có 3 flavonozit, một trong số flavonozit được xác định là rutin, một glucozit có cấu tạo steroit, một ít tanin, trong toàn cây có leocacdin cùng cấu trúc với stachydrin, một ít tinh dầu. Ancaloit không có tác dụng chữa bệnh.

Tác dụng dược lý cây ích mẫu

Tác dụng trên tử cung

  • Nước sắc ích mẫu Leonurus sibiricus 1/5.000 hay 1/1.000 có tác dụng kích thích đối với tử cung cô lập của thỏ cái (dù có thai hay không có thai cũng vậy)
  • Thỏ cái gây mê bằng ure6tan rồi cho uống nước sắc ích mẫu cũng thấy có tác dụng kích thích trên tử cung tại chỗ của thỏ.
  • Dung dịch nước 10% ích mẫu khô tác dụng trên tử cung mạnh hơn là dung dịch rượu 20%.
  • Tác dụng của ích mẫu trên tử cung cũng giống như tác dụng của cựa lõa mạch (Claviceps purpurrea).
  • Điều đáng chú ý là dung dịch rượu hay dung dịch nước ích mẫu tác dụng lên tử cung thì bắt đầu có một giai đoạn hưng phấn.
  • Nếu trước khi sắc ích mẫu, dùng ête để loại phần tan trong ête đi thì hiện tượng ức chế tử cung không thấy nữa.

Tác dụng trên huyết áp

Nước sắc ích mẫu tuy không tác dụng trực tiếp trên huyết áp nhưng làm giảm tác dụng của adrenalin trên mạch máu. Cao ích mẫu làm giảm huyết áp, nhất là đối với thời kỳ đầu của bệnh cao huyết áp.

Tác dụng trên tim mạch

Loài ích mẫu Leonurus quinquelobatus là Leonurus cardia có tác dụng tốt trên tim mạch và đối với cơ tim có bệnh.

Tác dụng đối với hệ thần kinh

Tác dụng đối với hệ thần kinh của ích mẫu Leonurus sibiricus mạnh hơn tác dụng của Valerian và Muyghe (Convallaria maialis).

Tác dụng kháng sinh đối với một số vi trùng ngoài da

Theo Trung hoa bì phụ khoa tạp chí (số 4-1957, tr.286-292) một số tác giả nghiện cứu thấy nước chiết ích mẫu 1:4 có tác dụng ức chế với trình độ khác nhau đối với một số vi trùng gây bệnh ngoài da.

Tác dụng trên viêm thận và phù cấp tính

Trên lâm sàng, ích mẫu chữa khỏi một số trường hợp viêm thận và phù (Trung y tạp chí số 6, 1959 và Trung y dược 1966 kỳ 4, 26).

Công dụng và liều dùng cây ích mẫu

  • Từ lâu vị ích mẫu được nhân dân ta dùng, chữa bệnh từ phụ nữ, nhất là đối với phụ nữ sau khi sinh nở, do đó có câu ca dao: Nhân trần, ích mẫu đi đâu Để cho gái đẻ đớn đau thế này?
  • Thường ích mẫu dùng trong trường hợp đẻ xong bị rong huyết (cầm máu tử cung), chữa viêm niêm mạc dạ con, kinh nguyệt quá nhiều.
  • Còn dùng chữa huyết áp cao, thuốc bổ huyết, các bệnh về tuần hoàn cơ tim, thàn kinh của tim, chứng tim hẹp nhẹ (stenocardie), chữa lỵ.
  • Quả ích mẫu dùng với tên sung úy tử làm thuốc thông tiểu, chữa phù thủng, thiên đầu thống (glôcôm)
  • Dùng ngoài thân và quả ích mẫu giã đắp hay sắc lấy nước rửa chữa một số bệnh như sưng vú, chốc đầu, lở ngứa.
  • Theo sách cổ, ích mẫu có tính chất: vị cay, đắng, tính hơi hàn, có khả năng trục ứ huyết, sinh huyết mới, hoạt huyết điều kinh, những người có đồng tử mở rộng không dùng được.
  • Liều dùng hằng ngày từ 6-12g dưới dạng thuốc sắc hay nấu thành cao. Quả ích mẫu dùng với liều 6-12g dưới dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ khi dùng ích mẫu

  • Người vốn đã có huyết hư nhưng không có ứng huyết: không dùng.
  • Kỵ thai, âm huyết hư: không dùng.

Mua vị thuốc ích mẫu ở đâu uy tín, chất lượng?

Mua vị thuốc ích mẫu ở đâu uy tín, chất lượng?
Mua vị thuốc ích mẫu ở đâu uy tín, chất lượng?

ÍCH MẪU là vị thuốc nam quý, được sử dụng rộng rãi trong YHCT. Hiện tại hầu hết các cửa hàng thuốc đông dược, phòng khám đông y, phòng chẩn trị YHCT… đều có bán vị thuốc này. Tuy nhiên người mua nên chọn những địa chỉ có uy tín, đảm bảo chất lượng, có giấy phép hoạt động và giá bán hợp lý để mua được vị thuốc đạt chất lượng.

Tổng kết về cây ích mẫu

Bên trên là tất cả các thông tin và hình ảnh về cây ích mẫu, hy vọng bài viết đã giúp bạn biết nhiều thêm về cây ích mẫu như: tên gọi, tác dụng, liều dùng, các bài thuốc từ cây ích mẫu…

5/5 - (5 bình chọn)

Trả lời

Your email address will not be published.