[CPP] Bài viết tổng hợp các thông tin về cây Ngải cứuCây Ngải cứu là gì? Công dụng của Ngải cứu? Một số loại thuốc có chứa Ngải cứu và các đơn thuốc/bài thuốc hay từ cây Ngải cứu? Và một số thông tin chính về cây Ngải cứu: tên gọi, mô tả, phân bố, thu hái và chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý, công dụng và liều dùng, hình ảnh cây Ngải cứu…

Cây ngải cứu là gì?

Cây ngải cứu là gì?
Cây ngải cứu là gì?

Ngải diệp còn gọi là Ngải cứu, Thuốc cứu, Điềm ngải (Bản thảo cầu nguyên), Nhã ngãi, Băng đài, Y thảo, Chích thảo, Kỳ ngải diệp, Ngải nhung, Trần ngải nhung, Hỏa ngải, Ngũ nguyệt ngải, Kỳ ngải thán, Ngải y thảo, Hoàng thảo (Cương mục), Ngải cảo (Nhĩ nhã, Quách phác chú), Bán nhung, Bệnh thảo, Thổ lý bỉnh phong (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

  • Tên tiếng trung: 艾叶
  • Tên khoa học: Folium Artemisiae Argyi
  • Họ khoa học: Họ Cúc (Asteraceae).

Truyền thuyết về cây ngải cứu

Ngải cứu là một cây thuốc nam được nhân dân sử dụng rộng rãi trong chế biến món ăn hàng ngày và làm thuốc. Nhưng ít ai biết về một truyền thuyết rất hay liên quan đến cây thuốc ngải cứu cũng như hiểu hết tác dụng, cách dùng của nó. Nhà thuốc Thọ Xuân Đường sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về cây thuốc quý này.

Truyền thuyết về cây ngải cứu

Câu chuyện kể về một thời rất xa xưa, ở một vùng nọ có một người con gái nhan sắc kiều diễm, thân hình thắt đáy lưng ong khiến bao người mê đắm có tên Kim Tuyến. Từ nhỏ nàng đã hẹn ước với chàng kỵ sĩ gần nhà, khi lớn lên 2 người kết hôn và chung sống hạnh phúc với nhau.
Vào một ngày nọ, có 1 vị quan đi du xuân ngắm cảnh, thấy Kim Tuyến đứng trong vườn nhà chăm sóc cây cối liền sinh lòng chiếm đoạt. Vị quan này ngày đêm mơ tưởng và muốn cướp nàng về nhà làm lẽ dù biết nàng đã lập gia đình. Để sát hại chàng kỵ sĩ chồng của Kim Tuyến, vị quan vu cho chàng tội bắn chết ngựa quý. Nếu chàng trai muốn được tha tội phải nộp một đoạn dây thừng bên bằng tro cỏ, nếu không sẽ bị đày đi biệt xứ. Dù biết là bị ám hại, nhưng là dân thường không thể cãi lại quan trên, chàng kỵ sĩ ngậm ngùi đi về nhà.

Khi về tới nhà, chàng liền thuật lại chuyện với Kim Tuyến, vốn là người thông minh, hiểu được dã tâm của viên quan nọ, nàng lấy làm bức xúc. Nàng liền ra vườn hái rất nhiều cây ngải cứu rồi đem phơi cho héo khô, sau đó nàng bện chúng thành một đoạn dây thừng rồi đặt lên mâm đồng. Xong xuôi nàng cho đốt cháy từ từ, đến khi cháy hết thành tro thì mang lên nộp cho quan. Thấy được tình nghĩa và sự mưu trí của 2 vợ chồng, vị quan không thể làm gì khác đành tha cho chàng kỵ sĩ.

Chính vì sự kiện cứu được vợ chồng khỏi sự chia ly, người đời đặt tên cho loài cây này là ngải cứu. Từ đó người dân còn phát hiện được nhiều công dụng của loài cây này, nhất là khi phơi khô rồi đốt cháy.

Công dụng của cây ngải cứu

Công dụng: Điều kinh, tả, đầy bụng, ho (Lá, ngọn non sắc hoặc nấu cao uống).

Ngải cứu không chỉ được biết là nó có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon mà nó còn là một bài thuốc nam được sử dụng rất nhiều trong việc được sử dụng rất phổ biến trong việc điều trị bệnh, và được sử dụng rộng rãi ở mọi vùng quê ở Việt Nam hay còn được gọi với cái tên là cây thuốc cứu.

Theo một số những nghiên cứu cho rằng trong thành phần của ngải cứu có các polyphenol có lợi cho sức khỏe như flavonoid, các loại axit amin, andenin có tác dụng giúp hỗ trợ điều trị bệnh, giúp kháng viêm, cầm máu, điều hòa khí huyết, kinh nguyệt,…

Một số bài thuốc hay từ cây ngải cứu và một số loại thuốc có chứa ngải cứu

Một số bài thuốc hay từ cây ngải cứu và một số loại thuốc có chứa ngải cứu
Một số bài thuốc hay từ cây ngải cứu và một số loại thuốc có chứa ngải cứu

Đơn thuốc có ngải cứu

  • Thuốc chữa kinh nguyệt kéo dài, máu ra nhiều, người mệt mỏi, đi đứng mệt yếu: Hàng tháng đến ngày bắt đầu hành kinh và cả những ngày đang có kinh, uống sáng một lần, chiều một lần theo đơn thuốc sau đây: Lá ngải cứu khô 10g, thêm 200ml nước, cô còn 100ml, thêm ít đường cho dễ uống.
  • Có thể cân luôn một lần 20g sắc với 400ml nước, cô còn 200ml, chia làm 2 lần uống sáng và chiều. Chỉ sau 1-2 ngày thấy kết quả.
  • Đơn thuốc này còn có thể dùng chữa kinh nguyệt kéo dài, đau bụng, máu ra đen và xấu. Nhưng uống hàng tháng vào 7-10 ngày trước ngày dự kiến có kinh.
  • Thuốc an thai (chữa đang có thai, đau bụng, chảy máu): Lá ngải cứu 16g, tía tô 16g, nước 600ml, sắc đặc còn 100ml. Thêm ít đường vào cho dễ uống. Chia làm 3-4 lần uống trong ngày.

Ứng dụng lâm sàng của ngải diệp/ngải cứu

  • Trị phụ nữ tử cung lạnh, huyết trắng (đới hạ), tay chân đau nhức, ăn uống ít, kinh nguyệt không đều, bụng đau, khó thụ thai:
    Bạch thược 120g, Đương quy 120g, Hoàng kỳ 120g, Hương phụ 240g, Ngải diệp 120g, Ngô thù du 120g, Quan quế 20g, Sinh địa 40g, Tục đoạn 180g, Xuyên khung 120g. Làm hoàn, mỗi ngày uống 12 – 14g/3 lần. (Ngải Phụ Noãn Cung Hoàn – Thẩm Thị Tôn Sinh Thư).
  • Trị kinh nguyệt ra nhiều, rong huyết do huyết hư:
    Ngải diệp 12g, Sinh địa 10g, Đương quy 10g, Bạch thược 5g, Xuyên khung 3g. Sắc với 800ml nước còn 300ml, lọc bỏ bã, thêm 12g A giao vào quấy đều, chia 3 lần uống trong ngày. (Giao Ngải Thang).
  • Trị tử cung lạnh làm cho vô sinh:
    Bạch thược, Đương quy, Hương phụ, Ngải diệp, Thục địa, Xuyên khung. Tùy chứng gia giảm. Tán bột làm viên, ngày uống 12 – 16g. (Ngải Phụ Noãn Cung Hoàn II – 380 Bài Thuốc Hiệu Nghiệm Đông Y).
  • Trị phụ nữ bị các chứng hư, kinh nguyệt không đều, đau nhói do khí huyết, bụng sườn đầy trướng:
    Đương quy, Ngải diệp đều 80g, Hương phụ 240g. Sắc uống. (Ngải Tiễn Hoàn).

Món ăn ngon từ cây ngải cứu

Sườn hầm ngải cứu

Nguyên liệu:

  • Sườn heo: 500g
  • Ngải cứu: 1 bó:
  • Hành tím: 2 củ
  • 1 thìa súp hành tím băm, 2 thìa súp nước mắm, 1 thìa cà phê hạt nêm, 2 thìa cà phê đường, ½ thìa cà phê tiêu, ½ thìa cà phê muối.

Cách làm:

  • Sườn heo rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Hành tím lột vỏ, băm nhỏ. Ướp sườn với ½ hành băm, muối, hạt nêm, để 10 phút cho thấm gia vị. Ngải cứu nhặt phần ngọn, rửa sạch, vò lá cho bớt đắng.
  • Làm nóng dầu ăn, cho ½ hành còn lại vào phi thơm, cho sườn vào xào săn lại, đổ 4 bát nước vào đun sôi, để lửa riu khoảng 20 phút. Cho ngải cứu vào đun sôi thêm 5 phút nữa, nêm muối, hạt nêm vừa ăn. Tắt bếp.
  • Múc canh sườn ngải cứu ra tô, rắc tiêu lên, dùng nóng.

Gà tần ngải cứu

Nguyên liệu:

  • Đùi và cánh gà: 500g
  • Ngải cứu: 1 bó
  • Nghệ tươi: 1 củ
  • 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa súp rượu trắng, 2 thìa cà phê dầu ăn.

Cách làm:

  • Gà rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Nghệ rửa sạch, gọt vỏ, đập giập. Cho gà vào nồi ướp với nghệ, muối, hạt nêm, để khoảng 20 phút cho thấm.
  • Ngải cứu nhặt phần ngọn, bỏ thân, rửa sạch. Gắp gà ra bát, sau đó cho ngải cứu vào nồi vừa ướp gà, nêm dầu ăn vào đảo đều, cho từng miếng gà lên, xếp xen kẽ với ngải cứu. Để 10 phút nữa cho gia vị thấm đều.
  • Đổ thêm 1 bát nước vào nồi, cho lên bếp đun lửa lớn đến khi sôi thì giảm lửa vừa khoảng 5 phút rồi tắt bếp, để nguội, lặp lại quy trình 1 lần nữa, cuối cùng cho thêm rượu vào cho gà dậy mùi thơm là được.

Trứng hấp ngải cứu

Nguyên liệu:

  • Thịt nạc heo: 100g
  • Trứng gà: 3 quả
  • Ngải cứu: 20g
  • 1 củ hành tím, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm, ½ thìa cà phê tiêu.

Cách làm:

  • Thịt heo rửa sạch, băm nhuyễn. Hành tím lột vỏ, băm nhỏ. Ướp thịt với muối, hành tím, tiêu, để 10 phút cho thấm gia vị.
  • Trứng gà tách vỏ cho vào chén, nêm chút muối, hạt nêm vào đánh tan đều.
  • Ngải cứu vò lá hơi nát cho bớt đắng, rửa sạch, thái nhỏ.
  • Cho ngải cứu, thịt heo vào trứng, trộn đều. Cho trứng vào nồi hấp cách thủy 15 phút là được.
  • Dọn trứng ra đĩa, rắc ít tiêu lên trên, ăn kèm cơm nóng.

Một số thông tin chính về cây ngải cứu

Một số thông tin chính về cây ngải cứu
Một số thông tin chính về cây ngải cứu

Tên gọi cây ngải cứu

  • Tên tiếng Việt: Ngải cứu, Cây thuốc cứu, Ngải diệp, Quả sú (Hmông ), Nhả ngải (Tày), Ngỏi (Dao)
  • Tên khoa học: Artemisia vulgaris L.
  • Họ: Asteraceae

Mô tả, đặc điểm cây ngải cứu

Ngải cứu là một loại cỏ sống lâu năm, cao 50-60cm, thân có rãnh dọc. Lá mọc so le, rộng, không có cuống (nhưng lá phía dưới thường có cuống), xẻ thùy lông chim, màu lá ở hai mặt rất khác nhau. Mặt trên nhẵn màu lục sẫm, mặt dưới màu trắng tro do có rất nhiều lông nhỏ, trắng, hoa mọc thành chùy kép gồm rất nhiều cụm hoa hình đầu.

Phân bố, thu hái và chế biến cây ngải cứu

  • Ngải cứu mọc hoang nhiều nơi ở nước ta, còn thấy mọc ở nhiều nước khác ở Châu Á, cả Châu Âu nữa. Ở nước ta một số gia đình trồng ngải cứu có tính chất quy mô nhỏ quanh nhà, chưa thấy trồng đại trà.
  • Thường hái cành và lá vào tháng 6 (gần tương ứng vớ tết mồng 5 tháng 5 âm lịch), phơi khô trong dâm mát. Có khi hái về phơi khô tán nhỏ, rây lấy phần lông trắng và tơi gọi là ngải nhung thường dùng làm mồi cứu.
  • Trong phương pháp chữa bệnh bằng châm cứu, người ta có thể kích thích những huyệt hoặc bằng kim châm sâu vào da thịt, hoặc bằng cách đặt lên những huyệt một miếng gừng tươi mỏng có châm vài lỗ để tránh cho da thịt khỏi bị cháy bỏng nhưng hơi hóng vẫn ngấm tới da thịt rồi vê một nắm ngải nhung bằng một mồi thuốc lào đặt trên miếng gừng mà đốt; sức nóng kích thích huyệt (gọi là cứu). Sở dĩ người ta dùng lông ngải cứu vì nó có nhiều tinh dầu, cháy lâu không tắt.

Thành phần hóa học cây ngải cứu

Hiện nay hoạt chất của ngải cứu chưa được xác định, mặc dù ngải cứu được dùng cả trong đông và tây y. Chỉ mới biết trong ngải cứu có tinh dầu, ít tanin. Thành phần chủ yếu của tinh dầu ngải cứu là xineol và &-thuyon. Ngoài ra còn một ít adenin, cholin.

Tác dụng dược lý cây ngải cứu

  • Tinh dầu ngải cứu có tính chất kích thích làm cho say, alpha – thuyon có trong tinh dầu có tác dụng hưng phấn nhưng dùng nhiều có thể gây điên cuồng.
  • Nói chung, tác dụng dược lý của ngải cứu ít thấy tài liệu nghiên cứu mặc dù ngải cứu được đưa vào Dược điển của nhiều nước trên thế giới, chủ yếu làm thuốc điều kinh.

Công dụng và liều dùng cây ngải cứu

Đông y xem ngải cứu là một vị thuốc có tính hơi ôn, vị cay, dùng làm thuốc ôn khí huyết, trục hàn thấp, điều kinh, an thai, dùng chữa đau bụng do hàn, kinh nguyệt không đều, thai động không yên, thổ huyết, máu cam.

  • Ngải cứu được dùng làm thuốc điều kinh: Một tuần lễ trước dự kỳ có kinh, uống mỗi ngày từ 6-12g (tối đa 20g), sắc với nước hay hãm với nước sôi như hãm chè, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống dưới dạng thuốc bột (5-10g) hay dưới dạng thuốc cao đặc 1-4g. Nếu có thai, thuốc không gây sẩy thai vì không có tác dụng kích thích đối với tử cung có thai.
  • Ngoài công dụng điều kinh, ngải cứu còn được dùng làm thuốc, giúp sự tiêu hóa, chữa đau bụng, nôn mửa, thuốc giun, sốt rét.
  • Ngải nhung (lông của lá) dùng làm mồi ngải cứu như đã nói trên.

Kiêng kỵ khi dùng ngải cứu

Chỉ định và phối hợp

  • Xuất huyết do yếu và hàn, đặc biệt là chảy máu tử xung. Dùng phối hợp ngải diệp với a giao dưới dạng giao ngải thang.
  • Suy và lạnh ở hạ tiêu biểu hiện như đau bụng hàn, loạn kinh nguyệt, vô kinhvà khí hư: Dùng phối hợp ngải diệp với đương qui, hương phụ, xuyên khung và ô dược.

Thận trọng và chống chỉ định

Ngải diệp dùng để cứu và có thể được làm thành các cây cứu hoặc dùng như côn ngải cứu. Nó làm ấm các kinh và hoạt khí hoạt huyết

Một số trường hợp không nên dùng ngải cứu

Tránh dùng ngải cứu trong một số trường hợp sau:

  • Phụ nữ có thai không được nên ăn quá nhiều ngải cứu, chỉ nên ăn 1 đến 2 lần trong mỗi tuần, mỗi lần ăn chỉ được phép ăn 3 – 5 ngọn nhỏ. Nếu ăn quá nhiều sẽ gây hiện tượng co bóp tử cung có thể dẫn tới việc sinh non hoặc sảy thai.
  • Người có sức khỏe tốt, không có bệnh tật không nên dùng trà hoặc nước sắc ngải cứu thường xuyên.
  • Người mắc bệnh gan cần tránh ăn lá ngải cứu vì trong tinh dầu của lá có chứa thành phần có hại cho gan, khi vào gan có thể sẽ gây ra tình trạng rối loạn chức năng chuyển hóa tế bào gan, có thể gây viêm gan cấp tính do trúng độc.
  • Ăn ngải cứu có thể giúp nhuận tràng, tăng khả năng đi tiểu. Tuy nhiên cần đặc biệt tránh với những người bệnh mắc tình trạng rối loạn đường ruột cấp tính.
  • Đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu không nên ăn, uống bất cứ những đồ gì có liên quan tới ngải cứu. Vì trong thời gian này không nên dùng bất kỳ những loại dược liệu nào.

Mua vị thuốc ngải cứu ở đâu uy tín, chất lượng?

NGẢI DIỆP là vị thuốc nam quý, được sử dụng rộng rãi trong YHCT. Hiện tại hầu hết các cửa hàng thuốc đông dược, phòng khám đông y, phòng chẩn trị YHCT… đều có bán vị thuốc này. Tuy nhiên người mua nên chọn những địa chỉ có uy tín, đảm bảo chất lượng, có giấy phép hoạt động để mua được vị thuốc đạt chất lượng.

Tổng kết về cây ngải cứu

Tổng kết về cây ngải cứu
Tổng kết về cây ngải cứu

Bên trên là một số thông tin và hình ảnh về cây ngải cứu: cây ngải cứu là gì, tác dụng ngải cứu, truyền thuyết về ngải cứu, một số thông tin chung như phân bố, đặc điểm, thu hái và chế biến, một số bài thuốc và món ăn ngon từ ngải cứu…

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Your email address will not be published.