[CPP] Lịch sử thế giới đã từng hứng chịu nhiều trận dịch bệnh và đại dịch cướp đi hàng triệu sinh mệnh. Hãy cùng tìm hiểu một số đại dịch và dịch bệnh mà loài người đã trải qua này là gì nhé.
Phân biệt Dịch bệnh và Đại dịch
Dịch bệnh là gì?
Dịch bệnh (epidemic), từ điển Cambridge (Anh) định nghĩa là sự xuất hiện của một bệnh cụ thể xảy ra với số lượng lớn người ở cùng một thời điểm, ví như dịch cúm, dịch sốt xuất huyết…
Đại dịch là gì?
Đại dịch (pandemic), từ điển này định nghĩa là một bệnh xuất hiện ở gần như mọi nơi trong một khu vực hoặc gần như với tất cả mọi thành phần trong một nhóm người, nhóm động vật hay thực vật.
Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ định nghĩa “đại dịch” là dịch bệnh đã lây lan tới nhiều quốc gia hay nhiều châu lục, ảnh hưởng tới một số lượng lớn người. Mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh không nằm ở mức độ quan tâm, lo lắng của dư luận, cũng không phải ở số ca tử vong.
Một đại dịch khác rất nhiều với một dịch bệnh ở chỗ đại dịch gây ra những hậu quả mang tính toàn cầu.
Khi nào Đại dịch được công bố?
Đầu tiên, WHO sẽ tuyên bố PHEIC khi dịch bệnh chưa phải là đại dịch.
Tình trạng Y tế Công cộng Khẩn cấp Quốc tế Quan tâm (PHEIC)
Theo báo Los Angeles Times, khi WHO tuyên bố một dịch bệnh là Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC), họ phải cân nhắc 3 nhân tố chính:
- Dịch bệnh đó có bất thường hay không thể lường trước?
- Dịch bệnh đó có tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ một quốc gia không?
- Dịch bệnh này có cần quốc tế có hành động phản ứng tức thời không? Vì cần có công tác kiểm tra tầm soát dịch tại các sân bay, cửa khẩu và cần tài chính để hỗ trợ, triển khai công tác phòng dịch.
Khi nào Đại dịch được công bố?
Gọi virus là một đại dịch khi việc bùng phát toàn cầu rộng rãi hơn là dịch bệnh.
WHO định nghĩa đại dịch là “việc lây lan toàn thế giới của một căn bệnh mới”. Mô tả này dành cho một chứng bệnh truyền nhiễm có thể làm gia tăng mạnh mẽ tỷ lệ lây nhiễm và tử vong trong một khu vực địa lý rộng lớn. Đại dịch được công bố gần đây nhất là đại dịch cúm H1N1 năm 2009.
Phân loại các loại dịch bệnh, đại dịch
Dựa vào tên gọi, trong quá khứ, hiện tại và tương lai chúng có các loại dịch bệnh sau:
- Dịch tả
- Dịch cúm
- Đậu mùa
- Sởi
- Lao
- Bệnh phong
- Sốt rét
- Sốt vàng da
- HIV/AIDS
- Sốt xuất huyết
- SARS
- Virus Corona
Các đợt Đại dịch, Dịch bệnh gây tổn hại nhiều nhất trong lịch sử loài người
Nhiều người đang băn khoăn liệu có phải chúng ta sắp đối mặt với đại dịch mới khi nCoV lan ra nhiều nước và số ca nhiễm bệnh không ngừng tăng lên mỗi ngày. Đại dịch là dịch bệnh bùng phát và lan qua biên giới các quốc gia và khác với dịch bệnh địa phương ở chỗ số người bị ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều. Trong lịch sử có nhiều đại dịch như đậu mùa và lao. Có lẽ đại dịch chết chóc nhất là Cái chết Đen từng cướp đi mạng sống khoảng hơn 100 triệu người vào thế kỷ 14. Các đại dịch trong lịch sử dường như đều xuất phát từ vấn đề vệ sinh.
Đại dịch thành Athens (430-426 TCN)

Từ năm 430 đến năm 426 trước Công nguyên, đại dịch thành Athens làm thành phố mất đi ưu thế trong Chiến tranh Peloponnesian khi thương hàn khiến 1/4 dân số và binh lính ở đây tử vong trong vòng 4 năm. Nhưng trong trường hợp này, độc lực của dịch bệnh nằm ở chỗ vi trùng gây bệnh giết chết vật chủ nhanh hơn so với tốc độ nhân lên, góp phần ngăn bệnh thương hàn lan ra rộng hơn. Nguồn gốc của dịch bệnh này vẫn là điều bí ẩn cho tới tháng 1/2006, nhóm nghiên cứu ở Đại học Athens công bố trên tạp chí Scientific American kết quả phân tích dựa trên hàm răng lấy từ ngôi mộ tập thể trong thành phố và xác nhận sự tồn tại của vi trùng khiến dịch thương hàn bùng phát.
Đại dịch Antonine (165-180)

Được biết đến là bệnh dịch Antonine, bệnh bắt đầu với những người Hung sau đó lây nhiễm cho người Đức, truyền sang người La Mã có quân đội rộng khắp Đế quốc La Mã.
Galen, bác sĩ người Hy Lạp, chứng kiến sự bùng phát và ghi lại các triệu chứng bệnh: tiêu chảy đen (cho thấy có thể có xuất huyết tiêu hóa), ho dữ dội, hơi thở có mùi hôi và triệu chứng da. Tổng số người chết ước tính khoảng 5 triệu.
Căn bệnh này đã giết chết tới một phần ba dân số ở một số khu vực và tàn phá quân đội La Mã. Bệnh dịch tiếp diễn cho đến khoảng năm 180 sau công nguyên. Hoàng đế Marcus Aurelius là một trong những nạn nhân.
Đại dịch Cyprian (251-266)
Đại dịch Cyprian (năm 251-266) đánh dấu lần đầu tiên dịch hạch bùng phát ở Ai Cập. Theo nhà chép sử người Ba Tư Procopius of Caesarea, trong chưa đầy một năm, dịch bệnh đã lan tới Constantinople và giết chết 10.000 người, ước tính 40% dân số thành phố. Đại dịch này làm dân số châu Âu giảm một nửa từ năm 550 đến năm 700.
Dịch hạch Justinian (541-542)
Dù ít được biết đến, đại dịch dịch hạch Justinian đã xóa sổ 50% dân số châu Âu thời điểm đó chỉ trong vòng 12 tháng, và khoảng 40% dân số Constantinople thiệt mạng (Ước lượng tổng người chết là 25 triệu). Vào đỉnh dịch, mỗi ngày có khoảng 5.000 người chết.
Bệnh đậu mùa ở Nhật Bản (735-737)
Bệnh đậu mùa vào năm 735 – 737 đã khiến từ 2 – 3,5 triệu người chết (33 – 60% dân số Nhật Bản) và là dịch bệnh đầu tiên cũng như nghiêm trọng nhất tại Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8.
Bệnh phong (Thế kỷ 11)
Mặc dù đã có từ rất lâu rồi, nhưng bệnh phong đã trở thành một đại dịch ở châu Âu vào giai đoạn thời kì trung cổ, dẫn đến việc người ta xây dựng nhiều bệnh viện tập trung vào bệnh phong để đáp ứng số lượng lớn nạn nhân bị nhiễm bệnh.
Một bệnh vi khuẩn phát triển chậm gây ra vết loét và dị dạng, bệnh phong vào thời điểm lúc bấy giờ được cho là một hình phạt từ Chúa xuống các gia đình. Và vì sự mê tín này đã dẫn đến những cái nhìn đánh giá về đạo đức của người bệnh và họ bị tẩy chay nạn nhân. Bệnh có tên gốc gọi là bệnh Hansen, nó vẫn gây ra hàng chục ngàn người mỗi năm và có thể gây tử vong nếu không được điều trị bằng kháng sinh.
Dịch hạch hay Cái chết đen (1346-1353)

Cái chết đen có lẽ là đại dịch “khét tiếng” nhất, có số lượng người thiệt mạng rất cao: 75 triệu – 200 triệu người.
Dịch hạch là căn bệnh kinh hoàng với tỷ lệ tử vong cao trong lịch sử nhân loại, có tính truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn yersinia pestis gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu từ động vật gặm nhấm sang người qua vật trung gian là bọ chét. Người mắc bệnh có những triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi, hoại tử và sưng hạch bạch huyết, đặc biệt ở nách và háng. Được mệnh danh là “Cái chết đen“, thời kỳ 1346-1353, dịch hạch lan rộng làm rung chuyển châu Âu, Trung Đông, Nga và phía bắc châu Á. Hai phần ba số người nhiễm bệnh thiệt mạng chỉ trong vòng 4 ngày. Số người chết ước tính từ 75 đến 200 triệu người.
Thời kì trao đổi Columbus (1492)
Sự xuất hiện của người Tây Ban Nha tại vùng Caribbean đã truyền theo những căn bệnh từ châu Âu như đậu mùa, sởi và nhiều bệnh dịch khác. Vì không có sẵn sự miễn dịch do trước đây chưa từng tiếp xúc với những bệnh này, những người dân địa phương đã chết tới 90% dân số trên khắp lục địa.
Khi Columbus đặt chân lên hòn đảo Hispaniola, ông bắt gặp người Taino với dân số khoảng 60000 dân, thế rồi vào năm 1548, con số này còn ít hơn 500 người. Vào năm 1520, đế chế Aztec đã bị tàn phá tận diệt bởi căn bệnh đậu mùa mang trong những người những nô lệ Châu Phi. Một nghiên cứu vào năm 2019 kết luận rằng khoảng 56 triệu dân châu Mỹ bản địa chết vào thế kỉ thứ 16 và 17 và nguyên nhân lớn là do các bệnh dịch.
Bệnh đậu mùa ở Mexico (1519-1529)
Vào năm 1519 – 1529, bệnh đậu mùa đã cướp đi 5 – 8 triệu sinh mạng ở Mexico. Đây cũng là khởi đầu cho 1 trong những sự kiện suy giảm dân số lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Đại dịch Cocoliztli ở Mexico (1545-1548)
Năm 1545 – 1548, đại dịch Cocoliztli gần như xóa sổ Mexico khi khiến 12 – 15 triệu người chết tại đây, tương đương với 80% dân số quốc gia này.
Đại dịch Cocoliztli ở Mexico (1576)
Đại dịch Cocoliztli ở Mexico vào năm 1576 đã khiến 2 – 2,5 triệu người chết. Đây là đại dịch sốt xuất huyết và đậu mùa với chuột là vật chung gian truyền bệnh.
Đại dịch cúm lần đầu tiên (1580)
Đại dịch cúm lần đầu tiên được ghi nhận năm 1580 và kể từ đó các đại dịch cúm diễn ra cứ mỗi 10 đến 30 năm.
Bệnh đậu mùa ở Bắc Mỹ (Đầu thế kỷ 17)
Bệnh đậu mùa ở Bắc Mỹ vào đầu thế kỷ 17 ước tính đã khiến 20 triệu người chết. Thời điểm đánh dấu cho sự suy giảm của dân bản xứ Bắc Mỹ này gắn với cuộc định cư của những người châu Âu đến Bán cầu Tây.
Dịch hạch ở Ba Tư (1772-1773)
Dịch hạch ở Ba Tư từng khiến 2 triệu người chết vào năm 1772 – 1773. Lần đầu tiên ở khu vực Vịnh Ba Tư, các biện pháp cách ly đã được thực hiện để kiềm chế dịch bệnh. Tuy nhiên, do thực hiện cách ly chậm trễ mà tại thành phố Basra đã có 250.000 người chết năm 1773. Dịch hạch cũng lan tới Ấn Độ và Bahrain khi truyền từ các loài động vật khác nhau sang con người.
Dịch tả lần thứ 1 (1816-1826)
Trước đó chỉ phân bố trong khu vực tiểu lục địa Ấn Độ, bắt đầu ở Bengal, sau đó lan khắp Ấn Độ năm 1820. 10.000 binh lính Anh và không biết bao nhiêu người Ấn Độ đã chết trong suốt đại dịch này. Nó bắt đầu lan sang Trung Quốc, Indonesia (nơi có hơn 100.000 người chết trên đảo Java) và vùng biển Caspi trước khi tàn lụi. Số ca tử vong ở Ấn Độ giữa năm 1817 và 1860 ước tính hơn 15 triệu người, và khoảng 23 triệu người chết trong khoảng 1865 và 1917. Số ca tử vong ở Nga trong cùng thời kỳ trên là hơn 2 triệu.
Dịch tả lần 2 (1829-1851)
Xảy ra ở Nga, Hungary (khoảng 100.000 người chết) và Đức năm 1831, Luân Đôn năm 1832 (hơn 55.000 người chết ở Vương quốc Anh), Pháp, Canada (Ontario), và Hoa Kỳ (New York) trong cùng năm, và bờ Thái Bình Dương của Bắc Mỹ vào năm 1834. Hai năm sau khi dịch bùng phát ở Anh và Wales năm 1848 và đã có 52.000 chết. Có nguồn cho rằng có hơn 150.000 người Mỹ đã chết do bệnh tả trong khoảng 1832 và 1849.
Dịch tả lần thứ 3 (1852-1860)
Dịch tả lần thứ 3 xảy ra từ năm 1852 – 1860 có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau đó đã lan rộng khắp châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Phi. Đại dịch này đã khiến 1 triệu người thiệt mạng. Dịch tả là bệnh nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra, dẫn đến mất nước và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Dịch hạch lần thứ 3 (1855-1950)
Dịch hạch lần thứ 3 xảy ra trên toàn thế giới từ năm 1855 – những năm 1950 đã khiến 12 – 15 triệu người chết. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 19, các nhà khoa học đã đạt được bước tiến đáng kể khi xác định được bọ chét là nguyên nhân gây bệnh.
Dịch sởi ở Fiji (1875)
Sau khi được nhượng lại cho nước Anh vào năm 1974 từ tay chính quyền Úc, một bữa tiệc hoàng gia của nữ hoàng Victoria đã diễn ra. Khi dịch sởi bùng phát, cuộc gặp gỡ này đã đem những mầm bệnh lây lan và tàn phá người dân ở đảo Fiji, ước tính có hơn 40 ngàn dân trên đảo đã chết, chiếm khoảng 1/3 dân số ở đây.
Dịch tả lần thứ 4 (1863-1875)
Lây lan chủ yếu ở châu Âu và châu Phi. Có ít nhất 30.000 trong số 90.000 Mecca khách hành hương là nạn nhân của dịch bệnh. Dịch đã cướp đi 90.000 mạng sống ở Nga năm 1866. Năm 1866, dịch bùng phát ở Bắc Mỹ, giết khoảng 50.000 người.
Dịch tả lần thứ 5 (1881-1896)
Dịch tả 1883–1887 đã cướp đi 250.000 người ở châu Âu và ít nhất 50.000 ở châu Mỹ. Bệnh tả đã giết 267.890 người ở Nga (1892); 120.000 ở Tây Ban Nha; 90.000 ở Nhật và 60.000 ở Ba Tư. Năm 1892, bệnh tả đã nhiễm vào nguồn nước cấp ở Hamburg, và làm 8606 người chết.
Dịch cúm Nga (1889–1890)
Dịch cúm Nga do virus cúm A H2N2 gây ra cũng là một sự kiện đáng chú ý bởi đây là đại dịch đầu tiên tấn công vào châu Âu sau khi các tuyến đường sắt được hoàn thành. Năm 1889, các tuyến đường sắt dài 201.168 km kết nối các thành phố châu Âu đã khiến dịch bệnh dễ lan rộng hơn. Dịch bệnh này đã khiến 1 triệu người chết.
Dịch tả lần thứ 6 (1899-1923)
Dịch tả lần thứ 6 diễn ra từ năm 1899 – 1923 đã cướp đi sinh mạng của 1,5 triệu người. Đại dịch này có nguồn gốc từ tỉnh Bengal và khiến 800.000 người chết ở Ấn Độ trước khi lan tới các khu vực khác như Trung Đông, Bắc Phi, Nga và một số khu vực của châu Âu.
Dịch hạch (1894-1903)
Dịch hạch từ năm 1894-1903 đã khiến 10 triệu người chết với các khu vực bị ảnh hưởng gồm Ấn Độ, Trung Quốc và một số khu vực khác trên thế giới.
Dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1920)

Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1920 là đại dịch toàn cầu lớn nhất với 500 triệu người, tức, một phần ba dân số thế giới vào thời điểm đó, nhiễm bệnh. Đại dịch làm khoảng 20-50 triệu người thiệt mạng, theo History (Con số này còn nhiều hơn số người chết trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, kết thúc vào năm 1918, với khoảng 20 triệu người thiệt mạng). Bệnh xuất hiện đầu tiên ở châu Âu, sau đó lan sang Mỹ và một phần châu Á. Nó nguy hiểm vì biểu hiện ban đầu chỉ tương tự cúm thường. Khi ở thể nặng, da bệnh nhân chuyển sang màu xanh, ho dữ dội dẫn tới ói mửa, tiểu tiện không tự chủ. Virus tấn công mạnh vào phổi và nhiều nạn nhân chết vì viêm phổi.
Đại dịch chính thức kết thúc vào tháng 12.1920. Nhiều nhà nghiên cứu ước tính số lượng người chết thực sự trong đại dịch này phải lên đến 100 triệu người, tương đương với khoảng 3 – 5% dân số Trái Đất vào thời điểm đó. Điểm khác biệt của đại dịch cúm này với các dịch cúm khác là đối tượng tấn công của virus: thanh niên, hoàn toàn khỏe mạnh.
Dịch bệnh sốt phát ban (1918-1922)
3 triệu người chết là hệ quả của dịch bệnh sốt phát ban từ năm 1918 – 1922 với các khu vực bị ảnh hưởng là Nga và Đông Âu.
Cúm châu Á (1956-1958)

Cúm châu Á là đại dịch cúm A tiểu loại H2N2 có nguồn gốc từ Trung Quốc năm 1956 và kéo dài đến năm 1958. Trong vài tháng đầu, nó lan rộng khắp Trung Quốc và các khu vực, đến giữa mùa hè, nó đã đến Mỹ. Vài tháng sau, nhiều trường hợp nhiễm được báo cáo, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người già và phụ nữ mang thai. Đại dịch cũng đã đến Vương quốc Anh và đến tháng 12, tổng cộng 3.550 ca chết người được báo cáo ở Anh và xứ Wales.
Ước tính số người chết do đại dịch khác nhau tùy thuộc vào nguồn, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới công bố số liệu cuối cùng là khoảng 2 triệu người, trong đó có 69.800 người ở Mỹ.
Dịch tả lần thứ 7 (1962-1966)
Bắt đầu ở Indonesia, gọi là El Tor, và sau đó đến Bangladesh năm 1963, Ấn Độ năm 1964, và Liên Xô năm 1966.
Cúm Hong Kong (1968-1969)
Từ trường hợp được báo cáo đầu tiên vào ngày 13/7/1968 tại Hong Kong, 17 ngày sau dịch bùng phát lan sang Singapore và Việt Nam. Trong vòng ba tháng đã lan tới Philippines, Ấn Độ, Australia, châu Âu và Mỹ. Dịch khiến hơn một triệu người chết trong đó 500.000 cư dân Hong Kong, khoảng 15% số dân ở đây vào thời điểm đó.
Dịch cúm “lạ lùng” (1976)
Tháng 2/1976, một quân nhân ở Fort Dix, New Jersey đã chết khi bị nhiễm virus cúm H1N1. Với lo ngại virus H1N1 có cùng chủng loại với virus gây ra đại dịch 1918 – 1919, Chính phủ Mỹ kêu gọi công dân tham gia chương trình tiêm chủng phòng dịch, một phần tư dân số nước này đã hưởng ứng lời kêu gọi. Thế nhưng, đáng buồn, cứ một người chết do nhiễm virus cúm thì lại có tới 25 người chết do biến chứng của vắcxin.
Đại dịch HIV/AIDS (1981-2012)
HIV là virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch ở người. Nếu không có hệ thống miễn dịch hoạt động tốt, những người bị HIV/AIDS sẽ dễ mắc phải những tổn thương khác, gây nhiễm trùng, dẫn đến tử vong. Virus lây lan qua máu và các chất dịch cơ thể. Hầu hết những người nhiễm virus đều qua quan hệ tình dục hoặc chia sẻ kim tiêm với người mang mầm bệnh.
Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) lần đầu được phát hiện tại Cộng hòa Congo năm 1976. Dịch bệnh bùng phát đầu thập niên 1980. HIV/AIDS vẫn là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất mà nhân loại phải đối mặt trong nhiều năm gần đây. Đến đầu những năm 2000, có gần 25 triệu người tử vong trong số 65 triệu người nhiễm.
Các biện pháp phòng ngừa và điều trị HIV/AIDS đều đã được cải thiện. Liên Hiệp Quốc cho biết đến cuối năm 2018, có khoảng 27,9 triệu người nhiễm HIV/AIDS và 24,5 triệu người trong số đó được điều trị bằng thuốc kháng vi rút.
Dịch SARS (2002-2003)

Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) do virus corona gây ra. Trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh năm 2002 là người Trung Quốc. Trong vòng vài tuần, dịch lây lan sang 37 quốc gia thông qua đường hàng không. Khoảng 8.000 người trên toàn thế giới nhiễm bệnh và 800 người tử vong. Hầu hết bệnh nhân bị nhiễm đều bị viêm phổi và lây nhiễm do tiếp xúc với chất dịch (đờm, nước mũi, nước bọt) từ người bệnh.
Đại dịch cúm gia cầm H5N1 (2003)

Năm 2003, Hiệp hội Sức khỏe thế giới đã công bố bốn trường hợp tử vong do nhiễm virus cúm H5N1. Không giống như chủng H5N1 khác, cúm gia cầm lần này đã làm chết 60% số bệnh nhân.
Tỷ lệ tử vong cao khiến thế giới lo ngại dịch cúm Tây Ban Nha kinh hoàng quay trở lại. Tuy nhiên, thật may mắn khi virus cúm này đã nằm trong tầm kiểm soát. Virus khó lây lan từ người sang người mà chỉ có khả năng lây cho những ai tiếp xúc với gia cầm sống.
Đại dịch cúm lợn H1N1 (2009)

Năm 2009, dịch cúm H1N1 xuất hiện và gây chấn động toàn thế giới. Nó lan nhanh tới 214 quốc gia và khiến 18.000 người thiệt mạng trên tổng số 575.000 ca nhiễm bệnh. Tháng 8/2010, WHO tuyên bố H1N1 là đại dịch toàn cầu.
Dịch MERS (2012)
Năm 2012, một loại virus mới bắt nguồn từ lạc đà xuất hiện ở Trung Đông và từng bước trở thành đại dịch toàn cầu. Hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS) hiện lan truyền với tốc độ đáng sợ. Từ năm 2012, dịch MERS đã có mặt tại 25 quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê, tính đến ngày 7/6, 1.179 người nhiễm virus MERS, 442 người tử vong. Riêng Hàn Quốc, nơi được xem là “ổ dịch”, 95 ca nhiễm bệnh và 7 trường hợp đã chết vì căn bệnh này.
Bệnh lao (2012)
Bệnh lao bùng phát trên toàn thế giới vào năm 2012 đã khiến 1,3 triệu người chết. Dịch bệnh này ảnh hưởng tới 1/3 dân số thế giới. Mỹ đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh này khi chỉ 3,2% dân số Mỹ bị nhiễm lao.
Dịch Ebola (2014)
Đại dịch Ebola là nỗi khiếp sợ của toàn nhân loại trong năm 2014. WHO xác nhận gần 7.000 trường hợp tử vong vì virus này. Sức tấn công mạnh của đại dịch khiến 70% dân số Tây Phi nhiễm bệnh. Ebola bùng phát mạnh mẽ nhất tại các vùng Guinea, Sierra Leone, Liberia. Hiện tại, người ta vẫn chưa tìm ra cách phòng ngừa Ebola. Các hoạt động khoa học thử nghiệm vaccine đang được đẩy mạnh.
Dịch Zika (2014-2015)
Virus Zika là một loại flavivirus do muỗi truyền gây bệnh có các triệu chứng bao gồm sốt, phát ban, đau khớp và mắt đỏ. Vào tháng 5/2015, việc truyền nhiễm virus Zika đầu tiên được báo cáo ở Brazil và các nhà nghiên cứu tin rằng loại virus này xuất hiện trong cuộc đua ca nô World Sprint Championship tháng 8/2014, được tổ chức tại Rio de Janeiro, nơi thu hút những người tham gia từ bốn nước Thái Bình Dương.
Virus này nhanh chóng lây lan và ảnh hưởng đến hơn 1,5 triệu người ở 68 quốc gia, nhờ khả năng muỗi phát triển mạnh trong cuộc sống thành phố, với rác thải, mương nước mở, cống thoát nước bị tắc nghẽn, bãi rác và nhà ở chật chội. Virus này cũng có liên quan đến vấn đề hàng ngàn trẻ sơ sinh ở Brazil được sinh ra với microcephaly, một chứng rối loạn thần kinh, khiến em bé có bộ não kém phát triển và đầu nhỏ bất thường.
Cũng có một số lượng gia tăng thai chết lưu và sảy thai ở những bà mẹ bị nhiễm virus. Những đứa trẻ sống sót phải đối mặt với khuyết tật trí tuệ và chậm phát triển.
Dịch Corona hay 2019-nCoV (2019…)

Hôm 30/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch hô hấp do nCoV là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Tính đến ngày 3/2, số người chết do nCoV tăng lên 362, số ca nhiễm tại Trung Quốc tăng lên 17.000, theo công bố của Ủy ban Y tế Quốc gia tại Bắc Kinh. Giới chuyên gia y tế đang ưu tiên nghiên cứu 2019-nCoV để kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu. Người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang kết hợp rửa tay thường xuyên để hạn chế lây nhiễm.