[CPP] Bạn đã từng gặp khó khăn trong việc quản lý tiền bạc và cân đối chi tiêu? Đã bao giờ bạn cảm thấy việc cố gắng tiết kiệm tiền trở thành áp lực cho cuộc sống hàng ngày của bạn? Nếu bạn có cảm giác như vậy, hãy tìm hiểu ngay công thức 6 chiếc lọ – bí quyết quản lý tài chính nổi tiếng khắp thế giới, được giới thiệu bởi T. Harv Eker, doanh nhân – diễn giả – tác giả cuốn best-seller “Bí mật tư duy triệu phú“.
Ai là người sáng tạo ra phương pháp 6 chiếc lọ tài chính – The 6 JARS System?
Phương pháp tư duy 6 chiếc lọ (JARS system) này được tạo ra bởi triệu phú tự thân T. Harv Eker, người sáng tác ra cuốn sách bán chạy trên toàn thế giới như “Bí mật tư duy triệu phú” và “Làm giàu nhanh”. Ông là người người sáng lập công ty Peak Potential Trainning, một công ty đào tạo – nghiên cứu phát triển nhanh và mạnh nhất thế giới với nhiều khóa học tư duy làm giàu.
T. Harv Eker nói rằng:
Sự khác biệt lớn nhất duy nhất giữa thành công tài chính và thất bại tài chính là cách bạn quản lý tiền của mình tốt như thế nào. Thật đơn giản: để làm chủ tiền, bạn phải quản lý tiền.
Bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp 6 cái lọ để quản lý tiền bạc, kể cả khi bạn nghĩ rằng mình không có nhiều tiền để quản lý. Điều quan trọng là bạn cần phát triển nó thành thói quen. Thậm chí với 100 nghìn đồng, bạn vẫn có thể bắt đầu phương pháp này.
Cách phân chia tiền vào 6 chiếc lọ tài chính – The 6 JARS System
Để quản lý tiền bạc thành công và hướng tới sự tự do tài chính, việc đầu tiên cần làm là lên kế hoạch sử dụng tiền bạc một cách hợp lý. Khi áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ, số tiền của mỗi người sẽ được chia thành 6 quỹ tài chính (hay gọi là chiếc lọ) như sau:
Kế hoạch tổng quan
Phương pháp JARS với 6 cái lọ, tượng trưng cho việc chia thu nhập hàng tháng của bạn ra làm 6 phần, giống như cho vào 6 chiếc lọ khác nhau. Mỗi cái lọ có tên và chức năng nhất định. Mỗi khi có tiền (lương, thưởng, lợi nhuận bán hàng, hoặc bất kể nguồn thu nhập nào), bạn hãy chia khoản tiền này vào ngay 6 cái lọ. Việc này cần được thực hiện như một thói quen hàng ngày.
Mỗi chiếc lọ hay mỗi tài khoản sẽ có mục đích riêng. Nếu coi tổng thu nhập hàng tháng của bạn là 100% thì mỗi chiếc lọ này sẽ chiếm một khoản nhất định.
Kế hoạch chi tiết
Bên dưới là sự chi tiết hóa mỗi chiếc lọ tài chính bạn có thể tham khảo.
Lọ tài chính 1: Tài khoản chi tiêu cần thiết – Necessity Account (NEC) ? 55%
Đây là lọ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu mỗi ngày của bạn và gia đình, như chi phí ăn uống, xăng xe, điện thoại, tiền học… Vì vậy, đây là lọ chiếm phần trăm cao nhất. Tác dụng của tài khoản này là để bạn biết được giới hạn chi tiêu, từ đó thay đổi lối sống cho phù hợp.
Lọ tài chính 2: Tài khoản tiết kiệm dài hạn – Long-term saving for spending Account (LTS) ? 10%
Đây là khoản tiền tiết kiệm dành để chi tiêu cho những việc trong tương lai. Số tiền trong chiếc lọ này sẽ dành cho những mục tiêu dài hạn, lớn hơn của bạn như mua xe, mua nhà, đi du lịch nước ngoài hoặc sinh em bé… Nếu bạn có nhiều mục đích dài hạn, hãy chia nhỏ con số 10% này theo thứ tự ưu tiên quan trọng của bạn, tính xem trong bao lâu thì bạn sẽ đạt được mục tiêu đó và cố gắng thực hiện. Tác dụng của tài khoản này là để bạn thấy rõ được mục đích mình nhắm tới, và tiết kiệm tiền dần dần cho việc đó.
Lọ tài chính 3: Tài khoản giáo dục – Education Account (EDU) ? 10%
Đây là quỹ để bạn dành cho việc học hành của bạn và con cái, chẳng hạn như tôi dành để mua sách cho con, cho bản thân mình; hay tham gia một vài khóa học như: học ngoại ngữ, học khiêu vũ, học làm bánh… Tác dụng của tài khoản này là bắt bạn phải liên tục đầu tư vào chính bản thân mình, vì càng đầu tư vào kiến thức thì bạn sẽ càng sinh lời, chẳng bao giờ sợ lỗ.
Lọ tài chính 4: Tài khoản tự do tài chính – Financial Freedom Account (FFA) ? 10%
Bạn có thể gọi nó là quỹ hưu trí cũng được bởi nó sẽ có ích cho bạn khi không đi làm nữa mà vẫn không cần phải phụ thuộc vào tài chính của người khác. Đây sẽ là khoản để bạn tham vào các hoạt động như mua cổ phiếu, đầu tư vào chứng khoán, hùn vốn để làm ăn với bạn bè hoặc thậm chí là mở công ty riêng của mình. Bằng cách này, bạn đã tạo ra “con ngỗng” đẻ trứng vàng để bạn sử dụng khi không còn “làm công ăn lương”. Sau này nếu 90% kia đã tiêu hết thì bạn vẫn luôn còn 10% này nguyên vẹn và sinh lời.
Lọ tài chính 5: Tài khoản hưởng thụ – Play Account (PLY) ? 10%
Đây là khoản tiền để bạn dành cho việc hưởng thụ, chăm lo cho bản thân tôi. Bạn có thể dùng tiền trong tài khoản này để mua vài cái váy đầm, thỏi son hay đơn giản là ăn món nào đó mà bạn thích.Tác dụng của tài khoản này là để bạn tự thưởng, từ đó có động lực làm việc hơn.
Lọ tài chính 6: Tài khoản từ thiện – Tithing or Give Account (GIV) ? 5%
Đây là tài khoản mà bạn sử dụng để làm từ thiện giúp đỡ người khác hay đóng góp cho lợi ích cộng đồng. Tài khoản này có thể giảm xuống 5% nếu như bạn có nhiều thứ phải chi trả hơn nhưng phải nhớ luôn dành ra một khoản để giúp đỡ người khác.
Bạn hãy thử ngay “bí kíp” 6 chiếc lọ quản lý tài chính thần kỳ này nhé. Nếu áp dụng phương pháp 6 chiếc lọ này đúng cách, bạn không chỉ đủ ăn đủ mặc mà còn có thể chi tiêu vào việc ý nghĩa và tích cóp cho tương lai một cách dễ dàng!
>> Bài tiếp theo: Quy tắc quản lý tiền bạc 50/20/30