Tia X là gì? X-quang là gì?

[CPP] Chúng ta hay nghe nói chụp X-quang, vậy tia X là gì? Chụp X-quang là gì?

Được biết đến là một trong những phát hiện quan trọng trong lịch sử y học hiện đại. Việc phát minh ra tia Xphương pháp chụp X-Quang đã mang lại những ứng dụng tuyệt vời giúp phát hiện và hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh đạt hiệu quả và độ chính xác cao.

Năm 1895, khi cho một ống tia cathode hoạt động, nhà vật lý học người Đức Wihelm Roentgen nhận thấy từ vỏ thủy tinh đối diện với cathode có một bức xạ không thấy được phóng ra. Bức xạ này tác dụng lên các tấm kính ảnh vốn được gói kín và đặt trong hộp kín. Roentgen gọi loại bức xạ này là tia X…

Tia X là gì?

Cơ bản về tia X

Tia X có bản chất là sóng điện từ, bức xạ phát ra chùm tia electron đập vào vật rắn, hầu hết tia X có dải bước sóng trong khoảng từ 0,01 đến 10 nano mét tương ứng với dãy tần số từ 30 Petahertz đến 30 Exahertz (3×1016 Hz to 3×1019 Hz) và có năng lượng từ 120 eV đến 120 keV. Bước sóng của nó ngắn hơn tia tử ngoại nhưng dài hơn tia gamma. Trong nhiều ngôn ngữ, bức xạ X được gọi là bức xạ Röntgen, được đặt tên theo nhà khoa học Đức / Hà Lan Wilhelm Röntgen, ngay sau khi ông khám phá ra một loại bức xạ mà chưa ai biết đến.

Ai phát minh ra tia X?

Tia X là một trong những phát minh nổi bật trong thế kỷ 19. Nó không những mở ra một chương mới cho ngành vật lý mà còn được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế, giúp các bác sĩ nhìn thấy những bộ phận bên trong cơ thể bệnh nhân mà không cần phẫu thuật.

nhà vật lý Rontgen và bức ảnh X-quang chụp bàn tay vợ của ông
nhà vật lý Rontgen và bức ảnh X-quang chụp bàn tay vợ của ông

Tia X – một phát minh tình cờ!

Năm 1895, nhà vật lý Wilhelm Conrad Rontgen (1845 – 1923) sinh ra tại Lennep, Đức, trở thành người đầu tiên quan sát tia X. Đây là một phát minh khoa học quan trọng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ yếu là y học.

Khám phá của Rontgen xảy ra tại phòng thí nghiệm của Đại học Wurzburg (Đức), khi ông tiến hành các nghiên cứu với một ống tia catôt [hay ống tia âm cực] làm bằng thủy tinh, bên trong là chân không với hai điện cực. Mặc dù bọc ống bằng giấy đen cẩn thận, nhưng Rontgen tình cờ nhìn thấy màn huỳnh quang phủ hợp chất barium platinocyanide BaPt(CN)4 đặt gần đó phát sáng khi ống tia catôt được bật trong căn phòng tối. Ông thử rút phích điện ra khỏi ổ cắm thì ánh sáng ngay lập tức biến mất.

Tại sạo gọi là tia X?

Rontgen suy đoán một loại tia bí ẩn nào đó đã làm sáng màn huỳnh quang. Rontgen cố gắng chặn các tia phát ra từ ống tia catôt lần lượt bằng tấm bìa cứng, một cuốn sách dày 1.000 trang, một bảng gỗ dày hơn 2,5 cm nhưng đều không thành công. Do không rõ bản chất của tia này nên ông gọi nó là tia X [chữ X tượng trưng cho điều chưa biết], sau này giới khoa học gọi là tia Rontgen.

Rontgen đã miệt mài làm việc trong phòng thí nghiệm để hiểu rõ hơn về loại tia mới. Ông khám phá ra rằng, tia X là sóng điện từ hoạt động tương tự như ánh sáng khả kiến [ánh sáng nằm trong vùng quang phổ mắt người nhìn thấy được] nhưng ở bước sóng ngắn hơn khoảng 1.000 lần. Cụ thể, tia X có bước sóng từ 10-11 m đến 10-8 m. Khi một chùm tia catôt – chùm electron mang năng lượng lớn – đập vào một vật rắn thì vật đó phát ra tia X.

Trước ngày Giáng Sinh, Rontgen chia sẻ kết quả nghiên cứu với vợ [tên là Bertha], cũng như muốn bà giúp đỡ thực hiện một thí nghiệm tiếp theo. Ông thay thế màn huỳnh quang bằng giấy ảnh, sau đó để vợ giơ tay chắn đường truyền của tia X. Thật kỳ lạ, những đốt xương ngón tay của bà Bertha hiện lên rõ nét trên giấy ảnh, bao gồm cả chiếc nhẫn cưới đang đeo. Đây là bức ảnh chụp X-quang đầu tiên trên thế giới. Năm 1896, Rontgen công bố bức ảnh tại hội nghị của Hội Vật lý thành phố Wurtzbourg (Đức) với sự tham dự đông đảo của các nhà khoa học nhằm chứng minh khả năng đâm xuyên của tia X qua cơ thể người.

Tia X có bước sóng càng ngắn thì khả năng đâm xuyên càng lớn. Nó dễ dàng đi qua các vật không trong suốt đối với ánh sáng thông thường như gỗ, giấy, vải, các mô mềm như thịt, da. Đối với các mô cứng như xương và kim loại thì nó đi qua khó hơn. Kim loại có nguyên tử khối càng lớn thì tia X càng khó xuyên qua. Chẳng hạn, một chùm tia X có thể đi qua một tấm nhôm dày vài cm, nhưng bị chặn bởi một tấm chì dày vài mm. Vì vậy, chì thường được dùng làm tấm chắn bảo vệ trong phòng chụp X-quang.

Rontgen nhận được nhiều giải thưởng cho việc phát hiện ra tia X, bao gồm giải thưởng Nobel Vật lý năm 1901. Theo Live Science, Cục Hải quân Đức từng cử người đến gặp Rontgen và nói sẵn sàng chi một số tiền lớn, cung cấp đủ mọi phương tiện để ông tìm cách khai thác sức mạnh của tia X làm vũ khí cho tàu ngầm. Người này cũng đề nghị ông đăng ký phát minh để giữ độc quyền về tia X, không cho nước ngoài sử dụng. Tuy nhiên, Rontgen kiên quyết từ chối. Ông muốn tia X được dùng vào việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, nó thuộc về toàn thể nhân loại, còn việc dùng làm phương tiện phục vụ chiến tranh không bao giờ có trong ý định của ông.

Bản chất của tia X

  • Tia X là sóng điện từ có bước sóng rất ngắn. Thông thường tia X có bước sóng trong khoảng từ 10-3 A0 đến 1 A0 (1A0 = 10-10m) tương ứng với dãy tần số từ 3×1016 Hz đến 3×1019 Hz và năng lượng từ 120eV đến 120keV.
  • Cơ chế phát tia X: Electron của Catod được tăng tốc trong điện trường mạnh nên có động năng rất lớn. Khi gặp các nguyên tử Anode, các electron này xuyên sâu vào vỏ nguyên tử, tương tác với hạt nhân và các lớp electron của nguyên tử làm dịch chuyển các electron từ tầng này qua tầng khác (Nguyên tử có nhiều lớp các eclectron từ trong ra ngoài được đặt tên K, L , M.. theo mức năng lượng của electron từ thấp tới cao).Chính quá trình dịch chuyển từ tầng này sang tầng khác của các electron tạo ra tia X. Có hai dạng tia X được tạo là ‘bức xạ hãm’ và tia X đặc trưng. Bức xạ hãm tạo ra do sự tương tác giữa các điện tử và hạt nhân nguyên tử vật liệu làm bia. Tia X đặc trưng tạo ra khi các electron bắn phá bia làm bật electron trên các quỹ đạo bên trong ra khỏi nguyên tử vật liệu làm bia. Tia X này được gọi là tia X đặc trưng vì nó đặc trưng riêng cho từng loại nguyên tố làm bia. (Về bản chất sâu hơn nữa hiện nay chưa cập nhật rộng rãi). Hình ảnh được tạo ra khi chụp X quang là do bức xạ hãm, tia X đặc trưng sinh nhiệt lớn cần được giải nhiệt để đầu đèn hoạt động tốt.

Tính chất của tia X

  • Khả năng đâm xuyên tốt: truyền qua được những vật chắn sáng thông thường như giấy, gỗ, hay kim loại mỏng … Bước sóng càng ngắn, đâm xuyên càng mạnh.
  • Tác dụng rất mạnh lên kính ảnh.
  • Làm phát quang một số chất.
  • Có khả năng ion hóa không khí và các chất khí.
  • Tác dụng sinh học rất mạnh: hủy hoại tế bào, diệt vi khuẩn,…

 

Những ứng dụng của tia X

Khám phá của Rontgen được coi là một “phép lạ” trong lĩnh vực y học. Tia X nhanh chóng trở thành một công cụ chẩn đoán quan trọng, cho phép các bác sĩ nhìn thấy những bộ phận bên trong cơ thể người mà không cần phẫu thuật.

Năm 1897, phương pháp chụp X-quang lần đầu tiên được sử dụng trên chiến trường, trong cuộc Chiến tranh Balkan, để tìm vị trí đạn và xương gãy bên trong cơ thể bệnh nhân.

Các nhà khoa học đã nhanh chóng nhận ra lợi ích của tia X, nhưng lại chậm hơn trong việc nhận biết tác hại của loại bức xạ này. Ban đầu, người ta tin rằng tia X đi xuyên qua da thịt và không gây hại như ánh sáng thông thường. Nhưng sau vài năm, các nhà nghiên cứu bắt đầu báo cáo những trường hợp bị bỏng và tổn thương da khi tiếp xúc liên tục với tia X. Trường hợp nổi bật nhất là Clarence Dally, trợ lý của Thomas Edison, qua đời vì ung thư da năm 1904 do làm việc nhiều với tia X. Cái chết của Dally khiến một số nhà khoa học bắt đầu để ý đến những rủi ro mà tia X có thể gây ra.

Tuy nhiên trong những năm 1930 – 1950, nhiều cửa hàng bán giày ở Mỹ vẫn sử dụng máy huỳnh quang tia X để khách hàng có thể nhìn thấy độ lớn các xương bàn chân, giúp họ chọn giày phù hợp với kích cỡ chân. Sau thập niên 1950, việc làm này mới được coi là nguy hiểm.

Ngày nay, tia X được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực y tế để điều trị ung thư. Đây là loại bức xạ năng lượng cao có khả năng tiêu diệt tế bào trong khối u bằng cách phá hủy DNA của chúng. Vì tia X cũng phá hỏng các tế bào bình thường, nên Viện Ung thư Quốc gia Mỹ khuyến cáo việc điều trị nên được lên kế hoạch cẩn thận nhằm giảm thiểu tác dụng phụ.

Do khả năng chiếu xuyên qua một số vật liệu nhất định, người ta có thể dùng tia X để xác định lỗ hổng và vết nứt bên trong những vật đúc bằng kim loại, hoặc nghiên cứu thành phần cấu trúc của các vật rắn trong phòng thí nghiệm. Ngoài ra, tia X cũng được ứng dụng trong việc kiểm tra an ninh tại các sân bay, phát hiện vũ khí và những đồ vật nguy hiểm có trong hành lý của hành khách.

Trong lĩnh vực thiên văn, tia X được tạo ra bởi một số thiên thể trong vũ trụ, ví dụ như hệ sao nhị phân hoặc hố đen ở trung tâm các thiên hà xoắn ốc đang nuốt những ngôi sao và đám mây khí xung quanh. Do đó, giới khoa học có thể sử dụng kính thiên văn tia X để nghiên cứu chúng.

Ứng dụng trong y học: Sử dụng trong các máy X quang, Ct-scanner, PET- CT, xạ trị… rất có giá trị trong việc chẩn đoán cũng như điều trị bệnh.

Tia X có những đặc tính quan trọng trong tạo hình X-Quang

  • Tính truyền thẳng và đâm xuyên: Tia X truyền thẳng theo mọi hướng và có khả năng xuyên qua vật chất, qua cơ thể người. Sự đâm xuyên này càng dễ dàng khi cường độ tia X càng tăng.
  • Tính bị hấp thụ: Sau khi xuyên qua vật chất thì cường độ chùm tia X bị giảm xuống do một phần năng lượng bị hấp thụ. Đây là cơ sở của phương pháp chẩn đoán X-Quang và liệu pháp X-Quang. Sự hấp thụ này tỷ lệ thuận với:
    • Thể tích của vật bị chiếu xạ: Vật càng lớn thì tia X bị hấp thụ càng nhiều.
    • Bước sóng của chùm tia X: Bước sóng càng dài tức là tia X càng mềm thì sẽ bị hấp thụ càng nhiều.
    • Trọng lượng nguyên tử của vật: Sự hấp thụ tăng theo trọng lượng nguyên tử của chất bị chiếu xạ.
    • Mật độ của vật: Số nguyên tử trong một thể tích nhất định của vật càng nhiều thì sự hấp thụ tia X càng tăng.
  • Tính chất quang học: Giống như ánh sáng, tia X cũng có những hiện tượng như khúc xạ, phản xạ, nhiễu xạ và tán xạ. Những tính chất này tạo nên những chùm tia thứ cấp bao gồm chùm tia tán xạ và chùm tia rò khi tiến hành chụp X-Quang.
  • Tác dụng sinh học: Tuy việc sử dụng phương pháp chụp X-Quang có thể mang lại nhiều lợi ích trong chẩn đoán, phát hiện tình trạng bệnh, song những nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng việc tiếp xúc nhiều với phương pháp chụp X-Quang có thể gây ra những tổn thương cho các tế bào trong cơ thể. Do bản thân tia X là một loại sóng điện từ bước sóng ngắn, mang năng lượng, nên khi hấp thụ vào cơ thể con người, chúng có khả năng gây ion hóa làm thay đổi cấu tạo các phân tử trong các tế bào sống của cơ thể, cụ thể là làm thay đổi DNA trong các tế bào sống, kết quả là làm gia tăng nguy cơ tế bào đột biến dẫn tới bệnh ung thư.

Tác dụng không mong muốn của tia X

Tia X có tác động thế nào đến cơ thể con người?

  • Với bước sóng ngắn tia X có thể đi xuyên qua mọi vật chất và gây hai rất lớn cho các dạng sinh vật sống. Với con người tia X ở mức độ tiếp xúc khác nhau rất dễ gây rối loạn quá trình trao đổi chất, thay đổi mã di truyền…
  • Ngay nay các kỹ thuật đã hỗ trợ cho bệnh nhân phải hấp thu liều tia X giảm song vẫn đạt được hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị. Các biện pháp bảo vệ thụ động như các phòng sử dụng tia X được bọc trì, nhân viên bức xạ có áo trì vv…

Tia X là một dạng bức xạ năng lượng cao không nhìn thấy được bằng mắt thường. Loại tia này có thể xuyên thấu qua nhiều vật thể, đặc biệt là các vật thể sống. Bởi thế nên kỹ thuật ứng dụng của tia X được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là y tế. Nhưng đồng thời, tia phóng xạ này cũng mang rất nhiều nguy hại tới cơ thể con người.

Những ảnh hưởng tiêu cực của tia X với cơ thể con người

Do tia X – một dạng tia phóng xạ, có tác dụng sát thương nhất định đối với tế bào, nên cơ thể sau khi chiếu Xquang cũng sẽ có những phản ứng không tốt. Ở các cấp độ khác nhau, cơ thể con người sẽ bị ảnh hưởng khác nhau. Và mức độ tác hại phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc và cường độ của tia X.

Tia X ảnh hưởng tới da

Những bức xạ do tia X gây ra tổn thương cục bộ cho da và các mô dưới da. Biểu hiện đầu tiên dễ thấy nhất là những vết đỏ trên da còn được gọi với tên khác là erythema. Những vết đỏ đó xuất hiện sau khi chiếu vài giờ và sẫm lại sau đó vài ngày, không để lại hậu quả lâu dài.

Tuy vậy, khi da bị nguồn xạ mạnh chiếu vào sẽ bị tổn thương nghiêm trọng với những vết đỏ đó, phồng rộp và loét. Liều không cao lắm thì có thể tự lành sau vài tuần nhưng ở liều cao thì diệt hết các tế bào da, vết thương sẽ rất lâu lành và để lại sẹo. Trong quá trình điều trị thường xảy ra nguy cơ sưng tấy và biến chứng. Khi vết thương đã quá nặng thường xảy ra hoại tử da và phải cắt bỏ.

Tia X ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi

Theo một số nghiên cứu, tia X có ảnh hưởng tới thai nhi. Khi chụp X-quang bụng trong khi mang thai, thai nhi sẽ tiếp xúc với bức xạ. Nếu các bức xạ gây ra những thay đổi khiến các tế bào của bé phát triển nhanh chóng, bé có thể có nguy cơ cao hơn mắc khuyết tật, dị dạng hoặc bệnh tật, chẳng hạn như bệnh bạch cầu.

Tia X ảnh hưởng tới các cơ quan khác của cơ thể

Những trường hợp phải chụp tia X quá nhiều với cường độ mạnh còn tác động đến các cơ quan khác của cơ thể như:

  • Mắt: đục thủy tinh thể.
  • Tim mạch: Làm hủy hoại trực tiếp đến các mạch máu nhỏ, có thể gây suy tim và tử vong.
  • Sinh dục: Suy thoái tiền liệt tuyến, tinh hoàn, buồng trứng, ung thư vú.
  • Tủy xương: Ảnh hưởng trực tiếp tới tủy xương nơi sản xuất ra các tế bào máu dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh như máu trắng, ung thư máu
  • Niêm mạc ruột: tiêu chảy, sụt cân
  • Huyết học và miễn dịch: Số lượng tế bào lympho của máu sẽ giảm đi, dễ bị nhiễm trùng hơn
  • Giảm sức đề kháng của cơ thể

Tia X có khả năng gây ung thư

Bức xạ ion hóa của tia X gây đứt gãy ADN. Khi những tế bào bị tổn thương do tia X gây ra phân chia và nhân lên, những tổn thương không được sửa chữa cũng nhân lên theo. Một số nhà khoa học đã cố tình chiếu xạ lên tay họ để nghiên cứu và thấy rằng , tia X có thể gây bỏng hoặc cháy da vài tuần sau khi tiếp xúc, nếu cường độ mạnh gây ra các vết loét và khó phục hồi. Các tế bào ung thư cũng có thể phát triển từ các mô da đã được chữa lành.

Giải pháp giảm thiểu nguy hại từ tia X

Mặc dù rất có hại, nhưng tia X đã góp phần đáng kể trong sự phát triển của khoa học công nghệ và đời sống con người. Và đồng thời, chỉ có những trường hợp phải chụp tia X quá nhiều với cường độ mạnh mới gây tổn hại đối với các tổ chức cơ thể. Vậy nên, nhiều quy định và biện pháp đã được đề ra nhằm hạn chế tối thiểu những tác động tiêu cực của tia X tới cơ thể con người và phát huy tối đa tác dụng của loại tia phóng xạ này.

Sự ra đời của cửa bọc chì X-quang đã trở thành là một trong những giải pháp ngăn chặn bức xạ ion của tia X hiệu quả. Loại cửa này được đánh giá rất cao bởi thiết kế đặc biệt để che chắn, bảo vệ tuyệt đối không để chất phóng xạ lọt ra ngoài không gian ảnh hưởng tới sức khỏe mọi người xung quanh, đặc biệt giảm mức độ nguy hiểm cho nhân viên y tế, bác sĩ và bệnh nhân gần đó. Vì vậy chúng thường được lắp đặt cho các phòng sử dụng máy phát ra tia phóng xạ như: Phòng X-quang, phòng CT-Scaner, phòng MRI, phòng đo độ loãng xương…

Cửa chì cho phòng X-Quang
Cửa chì cho phòng X-Quang

Phương pháp chụp X-quang là gì?

Chụp X-quang đóng vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Phương pháp này hỗ trợ bác sĩ quan sát bên trong cơ thể người bệnh mà không cần phải mổ

X-quang là gì? Chụp X-quang là gì?

X-quang là một loại bức xạ năng lượng cao. Máy chụp X-quang phát ra các chùm tia X có bức xạ cao, các tia X này xuyên qua các mô mềm và thành phần dịch trong cơ thể dễ dàng, từ đó tạo hình ảnh, các bác sĩ sẽ dựa vào hình ảnh này để chẩn đoán bệnh.

Các mô đặc như xương sẽ cản trở tia X nhiều. Mô có độ đậm đặc cao thì càng ít tia X xuyên qua.

Không khí và nước cho độ đậm thấp hơn vì các phân tử cấu thành liên kết không chặt chẽ, tia X dễ dàng xuyên qua.

Việc thực hiện chụp X-quang là chỉ định cần thiết trong chẩn đoán nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh liên quan đến xương khớp, hô hấp, tim mạch.

Cấu tạo và nguyên lý hoạt động máy X quang

Cấu tạo máy X quang

Các thành phần chính trong hệ chụp X-quang bao gồm:

  • Bóng phát tia X và bộ tạo cao áp
  • Phin lọc
  • Hệ chuẩn trực
  • Lưới chống tán xạ.
  • Bộ phận nhận tia X: Phim, tấm nhận ảnh KTS, bìa tăng quang hoăc tăng sáng truyền hình (khuếch đại ảnh)
  • Bộ kiểm soát liều xạ tự động (AEC)
  • Trung tâm điều khiển thông số và phát tia.
Các thành phần chính trong hệ chụp X-quang
Các thành phần chính trong hệ chụp X-quang

Bóng phát tia X:

Bóng X-Quang có thể xem như dạng đặc biệt của điốt chỉnh lưu chân không, bóng X-quang gồm các bộ phận chủ yếu sau:

  • Nguồn bức xạ điện tử – cathode (âm cực);
  • Nguồn bức xạ tia X – Anode (dương cực) .
  • Vỏ thủy tinh (vỏ trong) bao quanh anode và cathode, đã được hút chân không để loại trừ các phân tử khí cản trở trên đường đi chùm tia điện tử.
  • Vỏ bóng (vỏ ngoài) thường làm bằng hợp kim nhôm phủ chì để ngăn ngừa tia X bức xạ theo những hướng không mong muốn ra môi trường xung quanh và còn có tác dụng tản nhiệt. Ngoài ra trên vỏ còn bố trí cửa sổ tia X nơi ghép nối với hộp chuẩn trực và vị trí các đầu nối.

Có hai loại bóng được ứng dụng phổ biến trong thiết bị X-Quang là bóng sử dụng Anode quay và bóng sử dụng Anode cố định. Bóng Anode cố đinh hiện ít sử dụng do nhanh rỗ đĩa Anode gây ảnh hưởng chất lượng tia X do cố định điểm bắn từ Catod sang. Máy X quang tại phòng khám chúng ta sử dụng Anode quay.

Mô hình của bóng phát tia X
Mô hình của bóng phát tia X

Nguyên lý tạo hình của máy chụp X quang

Chùm tia X sau khi truyền qua vùng thăm khám của cơ thể thì suy giảm do bị hấp thụ bởi các cấu trúc. Sự suy giảm này phụ thuộc vào độ dày, mật độ của các cấu trúc mà nó đi qua do vậy tác động của chùm tia còn lại tới bộ phận thu nhận (film, detector, màn chiếu…) là khác nhau qua đó bộ xử lý hình ảnh sẽ cho thang xám khác nhau. Mức độ thang xám sẽ tạo ra ảnh.

Bộ phận thu nhận và xử lý hình ảnh là điểm khác biệt lớn nhất giữa các thế hệ máy X quang.

  • X quang cổ điển: sử dụng phim x quang để nhận tín hiệu, dùng máy rửa hoặc rửa tay qua các hoạt chất khác nhau để hiện hình ảnh.
  • X-Quang kỹ thuật số: Sử dụng các tấm nhận ảnh CR hoặc DR, các máy tính sẽ sử lý tín hiệu và tạo ảnh. Các ảnh nhận được dễ dàng được sử lý, lưu trữ , truyền ảnh giúp thuận tiện cho theo dõi và chẩn đoán bệnh.
  • Mô hình về X quang cổ điển, CR và DR.
Mô tả quá trình và sự khác biệt cơ bản giữa X quang cổ điển, CR và DR
Mô tả quá trình và sự khác biệt cơ bản giữa X quang cổ điển, CR và DR

Cách thực hiện chụp X-quang

Người cần chụp sẽ được kỹ thuật viên yêu cầu nằm, ngồi, hoặc đứng theo một vài tư thế để chụp X-quang, có thể phải nín thở khi thực hiện kỹ thuật chụp X-quang phổi để hình ảnh ghi lại được rõ nét nhất có thể.

Phim X-quang hoặc bộ phận ghi nhận hình ảnh sẽ được đặt phía sau bộ phận cơ thể cần chụp, tia X sau khi đi qua các bộ phận đó một phần sẽ được giữ lại, phần đi qua sẽ được ghi lại để tạo hình ảnh.

Hình ghi lại được càng đen nếu có càng nhiều tia X được chiếu đến phim. Vì vậy những bộ phận cơ thể cản nhiều tia X thì sẽ cho hình trắng, trong khi những bộ phận cơ thể rỗng hoặc đầy khí như phổi thì sẽ cho hình đen. Hình ảnh ghi lại được tại các mô mềm như cơ hoặc các tạng đặc trong cơ thể sẽ có màu xám, độ xám phụ thuộc vào đậm độ của chúng.

Kỹ thuật chụp X-quang cần được thực hiện trong điều kiện an toàn, đảm bảo và đủ tiêu chuẩn. Các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ phân tích hình ảnh và gửi kết quả đến bác sĩ đã chỉ định chụp X-quang.

Chỉ định và chống chỉ định chụp X-quang

Chụp X-quang biết bệnh gì là yếu tố quan trọng bác sĩ sẽ cân nhắc để lựa chọn kỹ thuật này trong chẩn đoán bệnh. Chụp X-quang được chỉ định trong các trường hợp:

  • Kiểm tra khu vực bị đau
  • Theo dõi sự tiến triển của bệnh
  • Theo dõi kết quả của phương pháp điều trị
  • Khi bạn có thể mắc một số bệnh lý như: viêm khớp, khối u ở vú, bệnh phổi, tắc mạch, ung thư xương, các vấn đề liên quan đến tim mạch, xương gãy, nhiễm trùng và các vấn đề liên quan đến răng miệng…

Phụ nữ có thai có chụp X-quang được không?

Phụ nữ có thai là đối tượng không nên chụp X-quang do tia X có thể ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của thai nhi.

Cần chuẩn bị gì trước khi chụp X-quang?

Thường thì hầu như không cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện kỹ thuật chụp X-quang. Chỉ có một số lưu ý nhỏ giúp cho quá trình chụp X-quang diễn ra thuận lợi như sau:

  • Bạn nên cởi quần áo (ở vị trí chụp X-quang) để dễ dàng bộc lộ tổn thương.
  • Trước khi chụp X-quang, bạn sẽ phải bỏ hết đồ trang sức, các vật dụng bằng kim loại ra khỏi cơ thể bởi kim loại có thể ngăn cản tia X xuyên qua cơ thể, gây cản trở cho quá trình thực hiện kỹ thuật.
  • Các bác sĩ có thể tiêm hoặc cho bạn uống thuốc cản quang trước khi chụp nếu xét nghiệm yêu cầu phải sử dụng thuốc cản quang.
  • Để chụp X-quang ruột, các bác sĩ sẽ tiến hành thụt tháo và làm sạch ruột trước khi chụp.
  • Một số kỹ thuật chụp X quang đặc biệt cần có sự chuẩn bị theo yêu cầu của bác sĩ.

Chụp X-quang là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh được dùng phổ biến hiện nay với thời gian thực hiện nhanh chóng và chi phí tương đối thấp. Đây là phương pháp cần thiết để chẩn đoán, tuy nhiên X-quang vẫn còn tồn tại một số hạn chế và nguy cơ khác. Chính vì vậy, cần tham khảo kỹ trước khi quyết định thực hiện chụp X-quang.

Bên trên là kiến thức về Tia X: tia X là gì? Ứng dụng của tia X? Tia X có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người? Một số câu hỏi liên quan đến chụp X-quang…

5/5 - (12 bình chọn)

Trả lời

Your email address will not be published.